Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Pháp - Liệu có "nhất cử lưỡng tiện?"

Chuyến đi Pháp của Tổng thống Biden được ví như một mũi tên trúng 2 đích: vừa củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vừa khẳng định hình ảnh một nhà lãnh đạo được lòng các đồng minh truyền thống.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (trái) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại sân bay Orly ở Paris, Pháp, ngày 5/6/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Pháp tham dự lễ kỷ niệm 80 năm D-Day, sự kiện đánh dấu quân đồng minh, trong đó có 73.000 binh sỹ Mỹ, đổ bộ vào bờ biển Normandy ngày 6/6/1944, mở ra mặt trận thứ hai trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống phátxít Đức.

Theo kế hoạch, Tổng thống Biden sẽ phát biểu tại sự kiện kỷ niệm ở Normandy ngày 6/6 trước khoảng 25 nhà lãnh đạo của thế giới, trong đó có Nhà Vua Charles của Anh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và có thể cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Dự kiến, một ngày sau đó, ông cũng có bài phát biểu tại Pointe du Hoc, nơi lực lượng Mỹ tổ chức cuộc đột kích bất ngờ vào quân đội Đức và giành được chỗ đứng chân trên bờ biển phía Bắc nước Pháp.

Ngày 8/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đón tiếp người đồng cấp Mỹ tại Paris.

Trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang năm thứ ba, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev.

Trong một tuyên bố, Điện Elysée cho biết lãnh đạo Pháp và Mỹ sẽ thảo luận về viện trợ dài hạn cho Ukraine, đồng thời khẳng định sự phối hợp chặt chẽ của hai nước trong các vấn đề khủng hoảng quốc tế sẽ giúp chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế tiếp theo, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào tháng Sáu tại Bari (Italy) và Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington (Mỹ) vào tháng Bảy.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến trao đổi về một loạt thách thức toàn cầu như cuộc chiến ở Gaza, các chủ đề kinh tế, không gian và hạt nhân, cũng như biến đổi khí hậu.

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ chuyến thăm cấp nhà nước này "phản ánh mối quan hệ lâu dài và toàn diện giữa Mỹ và Pháp, đồng minh lâu đời nhất của chúng ta, được thành lập dựa trên các giá trị dân chủ chung, quan hệ kinh tế và hợp tác quốc phòng và an ninh."

Theo giới quan sát, các sự kiện nổi bật lần này tại Pháp sẽ mang lại cho cả Tổng thống Biden và người đồng cấp Pháp Macron cơ hội "đánh bóng" hình ảnh cá nhân với cử tri ở nước mình, trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống (tháng 11 tới) và cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) cũng bắt đầu trong tuần này.

Chuyến công du châu Âu lần này của Tổng thống Biden diễn ra khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông đang gặp bất lợi trước đối thủ bên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trong kịch bản ông Trump trở lại nắm quyền, không có gì đảm bảo chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ giữ nguyên các trụ cột cơ bản của trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, với tư cách tổng thống, ông Trump đã cân nhắc rút khỏi NATO - liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu vốn được coi là "bức tường thành" ngăn chặn ảnh hưởng của Nga từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mới đây, ông Trump đã tuyên bố để Nga "tùy ý hành động" với các nước châu Âu không đáp ứng yêu cầu dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng, Mỹ chỉ đảm bảo hỗ trợ phòng thủ cho các thành viên NATO thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Do vậy, chuyến đi là cơ hội để Tổng thống Biden nêu bật những khác biệt về chính sách với đối thủ, thể hiện cam kết vững chắc với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, đồng thời chứng minh với những cử tri còn hoài nghi rằng, ở tuổi 81, ông vẫn giữ được sức chịu đựng và sự nhạy bén để đàm phán với những người đồng cấp, mà phần lớn trẻ hơn ông rất nhiều.

Giới quan sát cho rằng các phát biểu của Tổng thống Biden trong chuyến thăm chắc chắn sẽ đưa ra lời chỉ trích ngầm đối với cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên" của đối thủ Trump.

Bên cạnh đó, có một sự tương đồng nhất định trong bài phát biểu của ông tại Pointe du Hoc.

Năm 1984, Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan cũng phát biểu tại Pointe du Hoc khi tái tranh cử và sau đó giành chiến thắng vang dội trước ứng cử viên Walter Mondale của đảng Dân chủ.

Theo ông James Melville, cựu Đại sứ Mỹ tại Estonia, Tổng thống Biden có thể sẽ cố gắng đạt được những điểm tương đồng với bài phát biểu của cố Tổng thống Reagan để đoàn kết cử tri Mỹ.

Tuy vậy, chuyến đi cũng tiềm ẩn những rủi ro đối với Tổng thống Biden, chẳng khác nào "chơi dao hai lưỡi."

Việc di chuyển bằng chuyên cơ Không lực Một trong chuyến công du nước ngoài góp phần tạo nên hình ảnh hấp dẫn của tổng tư lệnh một siêu cường trong mùa bầu cử. Nhưng với tuổi tác của ông Biden, các trợ lý lo ngại nguy cơ ông bị kiệt sức vì thay đổi múi giờ.

Vẫn còn đó bài học từ trường hợp của Tổng thống George H.W Bush (Bush cha) trong chuyến thăm Nhật Bản năm 1992 - năm ông thất cử với hình ảnh ốm yếu trong bữa tiệc chiêu đãi của thủ tướng nước chủ nhà.

Do vậy, theo ông William Cohen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, trong chuyến đi này, Tổng thống Biden đang chịu áp lực phải thể hiện với cử tri Mỹ và thế giới hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và năng động.

Với Tổng thống Macron, việc tổ chức sự kiện kỷ niệm D-Day cùng với các nhà lãnh đạo thế giới cũng như đón tiếp Tổng thống Biden lần đầu thăm cấp nhà nước tới Pháp cũng góp phần củng cố hình ảnh cá nhân ông.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng ngày 1/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyến thăm diễn ra đúng dịp cử tri châu Âu đi bỏ phiếu bầu EP, được dự báo sẽ mang lại lợi ích lớn cho phe cực hữu ở Pháp.

Bất chấp những bất đồng về chính sách, ví dụ như Tổng thống Pháp từng công khai chỉ trích Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ vì ảnh hưởng đến đầu tư ở châu Âu, hai nhà lãnh đạo được cho là có mối quan hệ nồng ấm và thân thiện.

Trước đó, ông Biden đã đón tiếp ông Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington vào năm 2022.

Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu bước vào giai đoạn quyết liệt, chuyến đi Pháp của Tổng thống Biden được ví như một mũi tên trúng hai đích hay "nhất cử lưỡng tiện" khi vừa củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vừa khẳng định hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và chắc chắn, được lòng các đồng minh truyền thống - một điểm nhấn về chính sách đối ngoại của ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục