Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Triều Tiên thêm một năm, viện dẫn những hành động mà Washington cho là "mối đe dọa bất thường" gần đây từ phía Bình Nhưỡng.
Trong thông báo gửi tới Quốc hội, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông muốn duy trì "tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới Triều Tiên" lần đầu được tuyên bố vào ngày 26/6/2008, thông qua Sắc lệnh 13466.
Sắc lệnh này, được mở rộng hơn nữa dưới thời ông Trump và các chính quyền tiền nhiệm, kêu gọi trừng phạt Triều Tiên do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Trong bức thư gửi kèm tới Quốc hội, ông Trump viết rõ những hành động và chính sách của Bình Nhưỡng, cụ thể là chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, gây mất ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và gây nguy hiểm cho Các lực lượng vũ trang Mỹ, các đồng minh và các đối tác thương mại trong khu vực.
[Quan hệ Mỹ-Triều sau 2 năm cuộc gặp lịch sử: Bế tắc và thụt lùi]
Theo luật định, tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm vào Triều Tiên sẽ tự động chấm dứt nếu Tổng thống không gia hạn trong 90 ngày trước thời điểm tình trạng được kích hoạt.
Việc Mỹ gia hạn trừng phạt Triều Tiên diễn ra tại thời điểm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang liên quan đến việc Bình Nhưỡng cho nổ văn phòng liên lạc chung giữa hai miền với cáo buộc Seoul không chấm dứt việc giải truyền đơn chống Triều Tiên tại khu vực biên giới giữa hai nước - điều mà hai bên đã nhất trí từ năm 2008.
Theo giới phân tích, Triều Tiên đang muốn thúc đẩy sự nhượng bộ từ Mỹ khi hai bên sau cùng cũng sẽ ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước diễn ra hồi tháng 2/2019 vì những bất đồng giữa hai bên trong vấn đề phi hạt nhân hóa và việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên./.