Tổng thống Mỹ gây sức ép với Canada về thương mại tại Hội nghị G7

Tổng thống Mỹ yêu cầu quốc gia láng giềng phía Bắc phải dỡ bỏ cơ chế quản lý nguồn cung và sẽ không chấp nhận một phiên bản NAFTA mới mà không có điều khoản hoàng hôn.
Tổng thống Mỹ gây sức ép với Canada về thương mại tại Hội nghị G7 ảnh 1Thủ tướng Canada Justin Trudea hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị G7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sức ép với Canada ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) Mở rộng ở Charlevoix, tỉnh Quebec của Canada với việc yêu cầu quốc gia láng giềng phía Bắc phải dỡ bỏ cơ chế quản lý nguồn cung.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng khẳng định sẽ không chấp nhận một phiên bản Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới mà không có điều khoản hoàng hôn.

Tổng thống Trump phát biểu trước khi rời Hội nghị Thượng đỉnh G7 nêu rõ ông muốn có một thỏa thuận NAFTA mới với điều kiện phải có điều khoản hoàng hôn, cho phép đàm phán lại NAFTA sau mỗi năm năm. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết Washington sẵn sàng rời bỏ phiên bản NAFTA hiện nay để đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do riêng rẽ với Canada và Mexico.

Ngoài gây sức ép về hiện đại hóa NAFTA, nhà lãnh đạo Mỹ cũng yêu cầu Canada phải dỡ bỏ cơ chế quản lý nguồn cung nếu không muốn đối mặt với những rủi ro thương mại.

[Cảnh báo nguy cơ NAFTA đổ vỡ do căng thẳng thương mại]

Phát biểu tại cuộc họp báo ngắn trước khi rời Hội nghị Thượng đỉnh G7 sớm hơn so với kế hoạch, Tổng thống Trump nói: "Sẽ không có thuế quan hay rào cản. Không và không nên có bất kỳ khoản trợ cấp nào. Nước Mỹ hiện đang phải trả thuế rất cao cho sản phẩm sữa, ở mức 270%. Chúng tôi không muốn trả bất kỳ khoản thuế nào, tại sao chúng tôi lại phải trả chúng?”

Canada hiện áp thuế 270% đối với sữa, 245% đối với phô mai và 298% đối với bơ nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Những tuyên bố của Tổng thống Trump đã giáng đòn mạnh vào Thủ tướng nước chủ nhà Canada Justin Trudeau, người trước đó đã cam kết sẽ bảo vệ các chính sách nông nghiệp trong nước và cho rằng thỏa thuận hoàng hôn sẽ chỉ tạo ra sự không chắc chắn, nhất là cho các hoạt động đầu tư dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục