Tổng thống Mỹ Trump chủ trương tăng mạnh chi tiêu quốc phòng

Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương tăng mạnh chi tiêu quốc phòng

Việc chính phủ Mỹ vừa đệ trình lên Quốc hội khoản ngân sách quốc phòng 750 tỷ USD cho tài khóa 2020 cho thấy chủ trương tăng sức mạnh quân đội của ông Trump bất chấp việc thâm hụt ngân sách cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Mỹ mới đây đệ trình lên Quốc hội khoản ngân sách quốc phòng trị giá 750 tỷ USD cho tài khóa 2020, cho thấy chủ trương tăng cường sức mạnh quân đội của Tổng thống Donald Trump bất chấp việc thâm hụt ngân sách hiện ở mức cao nhất trong vòng 6 năm qua và nhiều bộ khác bị cắt giảm chi tiêu.

Khoản ngân sách 750 tỷ USD trên cao hơn mức 733 tỷ USD mà Lầu Năm Góc kỳ vọng có được trong tài khóa 2020 và vượt xa con số 700 tỷ USD mà Tổng thống Trump đã nhắc đến hồi tháng 10 vừa qua.

Ngày 9/12, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay gói chi tiêu quốc phòng trên đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Trump.

Hồi đầu năm nay, ông chủ Nhà Trắng đã đề xuất cắt giảm 5% ngân sách chi tiêu nói chung của các bộ, nhưng sẽ tăng ngân sách quốc phòng nước này.

Theo quan chức trên, trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã có nhiều cuộc làm việc với Tổng thống Trump về ngân sách cấp cho bộ này, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh tới những nguy cơ mà một ngân sách eo hẹp có thể gây ra cho nền an ninh của Mỹ.

Về phần mình, Tổng thống Trump cũng khẳng định chủ trương của Nhà Trắng tiếp tục thúc đẩy cũng như củng cố những kết quả tích cực mà chính phủ đã đạt được trong nỗ lực tái xây dựng quân đội vững mạnh.

[Mỹ tiếp tục thâm hụt ngân sách nặng nề, lên tới hơn 100 tỷ USD]

Hồi tháng Tám vừa qua, Tổng thống Trump đã ký duyệt Đạo luật Chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 trị giá 716 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.

Theo đó, NDAA sẽ tăng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nơi xét duyệt các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất và đánh giá các khoản đầu tư đó có tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia hay không.

Luật cũng quy định vai trò kiểm soát của Quốc hội đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ ZTE và Huawei của Trung Quốc.

Ngoài ra, NDAA cũng cho phép chi 7,6 tỷ USD cho 77 máy bay chiến đấu tấn công hỗn hợp F-35 do công ty Lockheed Martin sản xuất, đồng thời cấm chuyển giao máy bay chiến đấu tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Một nội dung khác trong luật NDAA liên quan tới việc triển khai lực lượng binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc.

Văn bản này nêu rõ khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc là thể hiện cam kết của Mỹ đối với quan hệ đồng minh song phương này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục