Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran 'sẽ mắc sai lầm lớn'

Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Tôi nghe được một số câu chuyện nhỏ về Iran. Nếu họ làm điều gì đó, đó sẽ là một sai lầm rất tồi tệ... Họ sẽ phải chịu tổn thất nặng nề."
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran. (Nguồn: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran. (Nguồn: AP)

Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran sẽ "chịu tổn thất lớn" nếu cố gắng "làm bất cứ điều gì" chống lại Mỹ.

Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh giới tình báo Mỹ cho rằng Tehran đang lên kế hoạch tấn công các lợi ích của Washington trong khu vực.

Phát biểu với báo giới trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Tôi nghe được một số câu chuyện nhỏ về Iran. Nếu họ làm điều gì đó, đó sẽ là một sai lầm rất tồi tệ... Họ sẽ phải chịu tổn thất nặng nề."

Mỹ đang gia tăng áp lực đối với Iran trong những ngày gần đây, cáo buộc Tehran đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công "sắp diễn ra." Washington đã tăng cường hiện diện quân sự tại Vùng Vịnh. Song song với đó, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố để ngỏ cánh cửa đối thoai với nhà lãnh đạo Iran.

Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng Iran nên cố gắng đàm phán thay vì đe dọa. Hiện họ đang lựa chọn giải pháp tồi, đó là tập trung vào đe dọa."

[Giới chức Iran cảnh báo khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân]

Báo New York Times ngày 13/5 dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã trình bày một kế hoạch quân sự chống lại Iran tại một cuộc họp của các trợ lý an ninh hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump.

Theo kế hoạch này, Washington sẽ điều 120.000 binh sỹ đến Trung Đông nếu Iran tấn công lực lượng Mỹ hoặc đẩy nhanh tiến độ phát triển vũ khí hạt nhân. Hiện cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều không có bình luận gì về thông tin này. 

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng một tuần sau khi Tehran tuyên bố đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này đã ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), dù vẫn duy trì tuân thủ văn kiện.

Động thái này của Iran được xem là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sau khi Washington rút khỏi JCPOA hồi năm ngoái.

Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực.

Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận.

EU đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộn hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.

Ngày 13/5, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết Tehran có thể thực thi nhiều biện pháp, bao gồm cả việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nếu vấn đề hạt nhân của Tehran bị đưa ra thảo luận lại tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo ông Kamalvandi, quyết định đình chỉ một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận hạt nhân của Iran nhằm tạo điều kiện để phía châu Âu có thời gian tuân thủ các nghĩa vụ cam kết của mình và đưa thỏa thuận quốc tế này trở lại lộ trình đúng hướng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục