Ngày 29/6, sau khi kết thúc chuyến thăm Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Hàn Quốc để tiến hành hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Moon Jae-in.
Trong chuyến thăm hai ngày tới nước đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á này, Tổng thống Trump cũng dự định thăm Khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới hai miền Triều Tiên, nơi ông tuyên bố có thể gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Dự kiến, vào tối nay (29/6), Tổng thống Trump và Tổng thống Moon Jae-in sẽ dùng bữa tối cùng nhau tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn dự kiến diễn ra vào ngày 30/6, đánh dấu lần thứ 8 hai nhà lãnh đạo này gặp nhau kể từ khi cả hai trở thành Tổng thống năm 2017.
Trọng tâm của cuộc gặp lần này sẽ là tăng cường quan hệ đối tác giữa hai đồng minh và việc đạt được mục tiêu hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên thông qua phi hạt nhân hóa.
[Mỹ-Hàn Quốc cam kết theo đuổi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên]
Tổng thống Moon Jae-in đã mời người đồng cấp Mỹ thăm Hàn Quốc trong chuyến thăm của ông tới Washington hồi tháng Tư vừa qua. Lần gần nhất Tổng thống Trump thăm Hàn Quốc là tháng 11/2017.
Chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Seoul lần này thu hút sự chú ý của thế giới khi ngày 28/6, ông Trump đăng dòng thông báo trên Twitter bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ để "bắt tay và gửi lời chào."
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui sau đó cho biết quốc gia này chưa nhận được đề nghị chính thức từ Washington nhưng đánh giá đề nghị của Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ là "rất thú vị."
Nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên chấp nhận lời đề nghị này, đây sẽ là cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên kể từ cuộc gặp đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018.
Đề nghị bất ngờ trên được đưa ra trong thời điểm quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên bị đình trệ. Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào do khác biệt về quan điểm phi hạt nhân hóa cũng như việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, không có nhiều động thái cho thấy hai bên sẵn sàng trở lại đàm phán.
Tuy nhiên, thông tin về việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trao đổi thư trong thời gian qua đã mở ra hy vọng về hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 trong thời gian tới./.