Tổng thống Mỹ có thể phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng 2017

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama sẽ phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng tài khóa 2017 vì dự luật này sử dụng các khoản ngân sách chiến tranh đặc biệt cho những chương trình quân sự ngắn hạn.
Tổng thống Mỹ, Barack Obama. (Nguồn: AP)

Trong động thái nhiều khả năng báo hiệu “cuộc chiến” mới giữa Chính quyền Tổng thống Barack Obama và Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa toàn quyền kiểm soát, ngày 16/5, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama sẽ phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng tài khóa 2017 vì dự luật này sử dụng các khoản ngân sách chiến tranh đặc biệt cho những chương trình quân sự ngắn hạn.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, lưỡng viện Quốc hội Mỹ hồi tháng trước đã thông qua 2 phiên bản của Luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) trị giá 602 tỷ USD cho tài khóa 2017.

Dù Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều tán thành khoản ngân sách quốc phòng tổng thể 610 tỷ USD, song phiên bản luật NDAA của Hạ viện lại chuyển khoản ngân sách 18 tỷ USD dành cho Các chiến dịch khẩn cấp ở nước ngoài (OCO) để chi trả cho các hoạt động tăng quân, mua sắm máy bay và tàu chiến.

Chính quyền của Tổng thống Obama cương quyết phản đối “đụng tới” khoản tiền này khi cho rằng điều đó sẽ đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ dự luật NDAA sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn của những người đang nỗ lực bảo vệ nước Mỹ, làm nản lòng các binh sỹ và gia đình họ, đồng thời gây khó cho các đồng minh của Mỹ.

Dự luật này cũng cản trở chính quyền triển khai chiến lược quốc phòng của Tổng thống Obama. Chính quyền của Tổng thống Obama cũng phản đối nhiều nội dung khác của dự luật, trong đó có các điều khoản nhằm ngăn cản Chính phủ Mỹ đóng cửa nhà tù Guantanamo và cắt ngân sách cấp cho các chương trình huấn luyện và trang bị cho các tay súng bản địa tại Iraq và Syria.

Trước đó, Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ đã thông qua phiên bản dự luật NDAA cho tài khóa 2017 và các nhà lãnh đạo Cộng hòa muốn toàn thể Hạ viện tiến hành bỏ phiếu trong ngày 18/5.

Tuy nhiên, các nghị sỹ đã đưa vào trong dự luật 375 điều khoản sửa đổi liên quan tới một loạt vấn đề.

 

Về nguyên tắc, phiên bản dự luật NDAA của Hạ viện phải khớp nội dung với phiên bản của Thượng viện trước khi đưa ra bỏ phiếu tại hai viện.

Nếu được thông qua, dự luật NDAA sẽ được chuyển lên Nhà Trắng để Tổng thống Obama ký ban hành, hoặc phủ quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục