Tổng thống Mỹ chuẩn bị thông báo hướng dẫn mở cửa lại nền kinh tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mong muốn nhanh chóng cho phép các hoạt động kinh doanh và xã hội ở Mỹ diễn ra bình thường trở lại ngay trong tháng 5/2020.
Người dân đeo khẩu trang phòng ngừa dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng ngừa dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/4 (giờ địa phương) cho biết các số liệu thống kê cho thấy Mỹ đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và ông sẽ thông báo “những hướng dẫn mới” về việc mở cửa trở lại nền kinh tế trong nước tại một cuộc họp báo diễn ra trong ngày 16/4.

Số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Mỹ đã vượt 28.000 ca tính đến sáng 16/4 và là mức cao nhất thế giới.

Mỹ đã ghi nhận gần 2.600 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ.

Cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới kinh tế Mỹ với hàng triệu người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Trước đó, ông Trump ngày 13/4 cho biết có quyền “bỏ qua” các khuyến cáo về thời điểm an toàn cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế trong nước của thống đốc các bang ở Mỹ và yêu cầu các doanh nghiệp trên toàn quốc mở cửa hoạt động trở lại.

Ông Trump hiện đang mong muốn nhanh chóng cho phép các hoạt động kinh doanh và xã hội ở Mỹ diễn ra bình thường trở lại ngay trong tháng 5/2020.

[Fed: Kinh tế Mỹ giảm mạnh đột ngột ở tất cả các khu vực]

Trong khi đó, thống đốc các bang ở khu vực duyên hải nước Mỹ - chiếm tỷ trọng lớn trong các hoạt động của nền kinh tế nước này – đã thành lập các nhóm làm việc riêng để đánh giá các ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cho biết sẽ thực hiện lộ trình khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội … dựa trên những đánh giá khoa học về vấn đề an toàn sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, theo một số nhà phân tích, các hoạt động đi lại, vận chuyển bằng đường không của Mỹ đã phải “đóng cửa” trong ba ngày sau vụ khủng bố tấn công ngày 11/9/2001.

Ngành hàng không Mỹ phải mất 3 năm để phục hồi sau sự kiện trên cho dù các cơ quan chức năng nước này đã tăng cường hoạt động kiểm tra an ninh đối với hành khách và hành lý trước khi lên máy bay, đồng thời thành lập một cơ quan mới chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh vận tải hàng không.

Sau đó, khi hoạt động xây dựng nhà đất ở Mỹ bắt đầu sụt giảm trong năm 2006, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008, nước Mỹ đã mất đúng 5 năm để cán cân cung cầu của thị trường nhà đất Mỹ có thể cân bằng trở lại và hoạt động xây dựng nhà bắt đầu tăng trưởng ổn định.

Ông Clark Ivory, Chủ tịch doanh nghiệp xây dựng nhà đất Ivory Homes ở Utah, cho rằng tình hình hiện nay hoàn toàn khác với các cuộc khủng hoảng trước đây và phức tạp hơn.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về duy trì hoạt động kinh doanh mới đây do Trường Kinh tế David Eccles thuộc Đại học Utah tài trợ, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể là “một thách thức kéo dài trong 3 năm tới”.

Về phần mình, phát biểu trong cuộc thảo luận trực tuyến trong tuần này với Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ, ông Chris Varvares, một quan chức của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, cho rằng để tăng trưởng kinh tế Mỹ phục hồi thì các điều kiện cần là lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đi lại phải được nới lỏng và tiến trình này có thể diễn ra "lần lượt ở từng bang và trong một số trường hợp là lần lượt từng thành phố."

Còn Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Raphael Bostic và Thống đốc bang California Gavin Newsom lại tỏ ra thận trọng về tình hình hoạt động kinh tế-xã hội sau khi nới lỏng hay dỡ bỏ lệnh phong tỏa khi các nhà hàng chỉ có hoạt động 50% công suất trong khi người dân vẫn cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Trong khi đó, thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 gây ra đối với nước Mỹ đang ngày càng tăng. Khoảng 16 triệu lao động Mỹ đã nộp đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong ba tuần qua trong khi doanh số bán lẻ của nước này đã giảm 8,7% trong tháng 3/2020.

Chính phủ Mỹ đã cam kết dành hơn 2.000 tỷ USD để thực hiện các biện pháp chi tiêu khẩn cấp. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là JP Morgan Chase & Co ngày 14/4 đã công bố báo cáo lợi nhuận giảm khoảng 70% trong quý 1/2020 khi trích lập dự phòng gần 7 tỷ USD để ứng phó nguy cơ nợ xấu gia tăng trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục