Tổng thống Mỹ chỉ định luật sư kỳ cựu lãnh đạo đơn vị chống độc quyền

Ông Jonathan Kanter được Nhà Trắng đánh giá là là "nhà vận động và chuyên gia hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy chính sách cạnh tranh và thực thi chống độc quyền mạnh mẽ và có ý nghĩa."
Tổng thống Mỹ chỉ định luật sư kỳ cựu lãnh đạo đơn vị chống độc quyền ảnh 1Ông Jonathan Kanter được chỉ định lãnh đạo bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp.(Nguồn:Usanewshour)

Ngày 19/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ định ông Jonathan Kanter - một luật sư nổi tiếng từng đại diện cho các công ty kiện các nền tảng công nghệ, đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp. Đây là động thái tích cực nhằm chống lại sự thống trị của các "ông lớn" công nghệ ở Thung lũng Silicon.

Ông Kanter được Nhà Trắng đánh giá là là "nhà vận động và chuyên gia hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy chính sách cạnh tranh và thực thi chống độc quyền mạnh mẽ và có ý nghĩa." Ông sẽ đứng đầu bộ phận xử lý các cáo buộc lạm dụng độc quyền chống lại các công ty công nghệ lớn nhất.

Theo thông cáo chính thức của Nhà Trắng, luật sư Kanter đã từng đại diện cho các công ty như Yelp và Spotify tố cáo những gã khổng lồ công nghệ như Google và Apple sử dụng các hành vi không công bằng để ngăn cản cạnh tranh.

Ông cũng đại diện cho Liên minh Truyền thông Tin tức kiện các nền tảng lớn đã cản trở các công ty truyền thông. Từng là luật sư của Ủy ban Thương mại Liên bang, gần đây ông Kanter đã thành lập công ty luật riêng chuyên ủng hộ việc thực thi luật chống độc quyền của liên bang và tiểu bang.

Ông Kanter được bổ nhiệm sau khi bà Lina Khan, một người ủng hộ việc chia nhỏ các “ông lớn” công nghệ, được chỉ định đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực tăng cường thực thi chống độc quyền.

[Hạ viện Mỹ tranh luận về năm dự luật về các tập đoàn công nghệ]

Đầu tháng này, ông Biden cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực công nghệ và y tế, qua đó lập chính sách để xem xét kỹ lưỡng toàn bộ các vụ sáp nhập bao gồm cả những vụ đã hoàn thành.

Sắc lệnh này tập trung vào các “thương vụ sát thủ”, tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh non trẻ, như vụ Facebook mua lại đối thủ Instagram và WhatsApp, đồng thời nhằm vào mô hình kinh doanh béo bở ở Thung lũng Silicon liên quan đến việc thu thập dữ liệu người dùng, sau đó quảng cáo trả thưởng (incentive), giữa các công ty công nghệ để quảng bá chéo dịch vụ với giá thầu đắt đỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục