Ngày 11/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng có thể tiến hành thêm nhiều biện pháp nữa khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn. Tuyên bố này cho thấy không hề có dấu hiệu Washington sẽ "hạ nhiệt' căng thẳng thương mại đang leo thang với Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, Tổng thống Trump nhấn mạnh các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã có "tác động lớn" đối với nền kinh tế thứ 2 thế giới. Ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản đã bị suy giảm, đồng thời cảnh báo có thể gây thêm áp lực hơn nữa nếu ông muốn. Ông nhấn mạnh: "Tôi không muốn làm vậy, song Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán."
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho rằng mặc dù Trung Quốc muốn đàm phán song ông không tin họ đã sẵn sàng. Ông Trump đổ lỗi cho những người tiền nhiệm vì đã cho phép Trung Quốc theo đuổi các hành vi thương mại mà ông cho là không công bằng, đồng thời nhấn mạnh "điều đó đã kết thúc."
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ tháng Bảy vừa qua, khi chính quyền của Tổng thống Trump áp thuế mới đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã tiến hành nhiều hành động trả đũa lẫn nhau thông qua các biện pháp thuế quan, bất chấp một loạt nỗ lực nhằm giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đã lên tiếng chỉ trích Mỹ đang tìm cách gây sức ép để các quốc gia khác không ký kết các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, nhấn mạnh một quốc gia không nên áp đặt suy nghĩ của mình với những nước khác.
[Mỹ thiệt hại 1.4 tỉ USD mỗi tháng do cuộc chiến thương mại]
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Cao Phong nêu rõ: "Việc tạo ra một khu vực tự do thương mại là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động thương mại giữa các quốc gia thành viên" và những thỏa thuận thương mại tự do "không nên hạn chế các mối quan hệ bên ngoài của các nước thành viên."
Hồi đầu tháng này, Mỹ, Canada và Mexico đã đạt được thỏa thuận thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994 bằng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada. Tuy nhiên, Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada có điều khoản cấm các quốc gia thành viên thực hiện bất kỳ một thỏa thuận thương mại nào với những nước chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ, có trợ cấp nhà nước đối với doanh nghiệp hoặc gây rủi ro đối với chuỗi sản xuất Bắc Mỹ, như Trung Quốc và thậm chí cả Venezuela.
Cụ thể, Điều 10 của Chương 32 trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada quy định một quốc gia thành viên nỗ lực thực hiện hiệp định thương mại với một nền kinh tế phi thị trường sẽ bị loại khỏi hiệp định và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada sẽ trở thành hiệp định song phương. Với điều khoản này, Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada đã khép lại cánh cửa vào thị trường Bắc Mỹ đối với Trung Quốc./.