Nước Mỹ sẽ không khiếp sợ và không nản lòng trước vụ tấn công đẫm máu tại San Bernardino, bang California, khiến hơn 30 người thương vong.
Tuyên bố trên được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra trong bài phát biểu hàng tuần ngày 5/12, sau khi giới chức nước này nghi ngờ hai nghi phạm trong vụ tấn công trên chịu ảnh hưởng từ nhóm Tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tổng thống Obama nhấn mạnh, trên cương vị tổng thống, ưu tiên hàng đầu của ông là an ninh và sự an toàn cho người dân Mỹ. Nhiệm vụ này sẽ đoàn kết toàn thể người dân Mỹ, đồng thời giới chức nước này sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn để bảo vệ đất nước.
Theo ông Obama, hoàn toàn có khả năng hai nghi phạm Tashfeen Malik và Syed Farook đã chịu ảnh hưởng tư tưởng cực đoan khi thực hiện hành động khủng bố trên.
Ông cam kết sẽ điều tra đến cùng cách thức cũng như nguyên nhân vụ việc này.
Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh IS và các nhóm khủng bố khác đang kích động các phần tử quá khích tiến hành khủng bố nhằm vào Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới, chính phủ, người dân, các lực lượng chức năng cũng như lãnh đạo tôn giáo ở Mỹ phải cùng hợp tác để giúp người dân không "sa ngã" trước các tư tưởng thù hận.
Hiện tại, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra vụ việc trên theo hướng "một hành động khủng bố", song cho biết chưa có bằng chứng cho thấy hai nghi phạm thuộc một tổ chức cực đoan lớn hơn.
Tổng thống Obama cũng cho rằng thảm kịch tại California một lần nữa buộc giới chức nước này trong quyền hạn của mình phải có hành động để bảo vệ người dân.
Ông nhấn mạnh đã đến lúc các nhà lập pháp phải xem xét lại quyền của công dân Mỹ được mua vũ khí và đạn dược gây chết người.
Việc hai kẻ xả súng tại California sở hữu và sử dụng loại vũ khí tấn công có thiết kế quân sự là sự cảnh tỉnh về việc những phần tử xấu rất dễ sở hữu vũ khí.
Kiểm soát súng đạn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống Obama kể từ sau vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở bang Connecticut hồi năm 2012, khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em.
Tuy nhiên, những nỗ lực của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm thúc đẩy dự luật kiểm tra lý lịch của người mua súng bị phe Cộng hòa cản trở và đã thất bại tại Quốc hội Mỹ./.