Tổng thống Mali thúc đẩy thành lập chính phủ đoàn kết

Văn phòng Tổng thống Mali cho biết Tổng thống nước này đã giao nhiệm vụ cho nội các tinh giản gồm Thủ tướng Boubou Cisse và 6 bộ trưởng đứng ra thành lập chính phủ đoàn kết.
Tổng thống Mali thúc đẩy thành lập chính phủ đoàn kết ảnh 1 Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita tại sân bay Gao, Mali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/7, Văn phòng Tổng thống Mali cho biết Tổng thống nước này đã giao nhiệm vụ cho nội các tinh giản gồm Thủ tướng Boubou Cisse và 6 bộ trưởng đứng ra thành lập chính phủ đoàn kết.

Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi lãnh đạo các quốc gia Tây Phi kêu gọi thành lập chính quyền đoàn kết và tiến hành cuộc bầu cử mới tại Mali.

Trước đó cùng ngày, lãnh đạo các nước Tây Phi đã kêu gọi các bên liên quan tại Mali nhanh chóng thành lập chính phủ đoàn kết và tổ chức cuộc bầu cử mới sau cuộc bầu cử Quốc hội đầy tranh cãi gần đây.

[Việt Nam ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Mali]

Bên cạnh đó, các nước Tây Phi cũng đồng thời đưa ra cảnh báo về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những đối tượng chống lại nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia thuộc khu vực Sahel này.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo các quốc gia thuộc Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) - gồm 15 quốc gia - đã một mặt thể hiện lập trường ủng hộ Tổng thống Mali Boubacar Keita và đồng thời kêu gọi nhanh chóng thành lập chính phủ đoàn kết có sự tham gia của phe đối lập.

Các nhà lãnh đạo Tây Phi cũng khẳng định Hiến pháp dân chủ của Mali cần phải được tôn trọng và yêu cầu một ủy ban của ECOWAS xem xét các biện pháp trừng phạt đối với tất cả những người có hành động đi ngược lại tiến trình giải quyết khủng hoảng chính trị.

Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Boubacar Keita phải đối mặt với Phong trào “Ngày 5 tháng 6” do Liên minh đối lập tại Mali (RFP) phát động với các cuộc biểu tình quy mô lớn trên cả nước từ đầu tháng 6 vừa qua đòi tổng thống từ chức.

Đỉnh điểm là xung đột bùng phát giữa người biểu tình và lực lượng chức năng hồi đầu tháng 7 này, khiến hàng chục người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Trước áp lực của phong trào biểu tình, Tổng thống Keita đã đưa ra những nhượng bộ, bao gồm giải tán Toà án Hiến pháp.

Các cường quốc trên thế giới lo ngại tình trạng hỗn loạn tại Mali có thể làm suy yếu các chiến dịch quân sự chống phiến quân Hồi giáo ở khu vực Sahel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục