Tổng thống lâm thời của Ai Cập xoa dịu căng thẳng

Nhằm xoa dịu căng thẳng, Tổng thống lâm thời của Ai Cập Adli Mansour tuyên bố Tổ chức Anh em Hồi giáo là một phần của dân tộc.
Trong một động thái được nhìn nhận là nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng trong nước sau khi quân đội phế truất Tổng thống Mohamed Morsi, người của Tổ chức Anh em Hồi giáo, ngày 4/7, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour tuyên bố lực lượng chính trị này là một phần của dân tộc.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Cairo sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Mansour khẳng định Tổ chức Anh em Hồi giáo được mời tham gia quá trình xây dựng đất nước và họ sẽ được hoan nghênh nếu chấp nhận lời mời. Tổng thống lâm thời Mansour nhấn mạnh không một người dân Ai Cập nào bị buộc phải đứng ngoài tiến trình này.

Tuy nhiên, ngay lập tức, Sheikh Abdel Rahman al-Barr, một thành viên cấp cao của Tổ chức Anh em Hồi giáo, tuyên bố lực lượng này sẽ không hợp tác với chính quyền đã tiếm quyền của Tổng thống Morsi (chính quyền lâm thời), song đồng thời kêu gọi những người ủng hộ kiềm chế, tránh các hành động bạo lực có thể khiến căng thẳng leo thang.

Trong khi đó, thủ lĩnh Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập Mohamed El-Beltagy tuyên bố phong trào này sẽ "án binh bất động," song không chấp nhận một cuộc đảo chính quân sự. Ông nhấn mạnh hành động phế truất Tổng thống Morsi là một cuộc đảo chính và tổ chức này không thừa nhận tính hợp pháp của nó cho tới khi quyết định trên được sửa sai.

Trong một diễn biến khác liên quan, các nguồn tin quân đội, chính trị và ngoại giao ngày 4/7 cho biết ông Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), được coi là ứng cử viên thủ tướng sáng giá của chính phủ chuyển tiếp ở Ai Cập.

Theo một nguồn tin từ Bộ Tư lệnh quân đội tối cao, ông ElBaradei là sự lựa chọn đầu tiên do ông là một nhân vật nổi tiếng trên trường quốc tế, được giới trẻ tin tưởng tại một nền dân chủ sẽ bao gồm tất cả các lực lượng chính trị, và thậm chí cũng được một số nhóm Hồi giáo đánh giá cao.

Ông ElBaradei, 71 tuổi, đã được Mặt trận Giải phóng Dân tộc Ai Cập và các nhóm thanh niên từng dẫn đầu các cuộc biểu tình chống cựu Tổng thống Morsi chọn làm người đàm phán với lực lượng vũ trang và xuất hiện khi Tư lệnh Lực lượng vũ trang Ai Cập, Tướng Abdel-Fattah al-Sissi tuyên bố quân đội nắm quyền.

Trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục phản ứng về những diễn biến mới trên chính trường Ai Cập.

Ngày 4/7, Chính phủ Syria đã hoan nghênh việc quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Morsi. Truyền hình nhà nước Syria dẫn một nguồn tin chính thống khẳng định đây là "sự đảo chiều quyết liệt cho thấy ý nguyện kiên định nhằm duy trì nền dân chủ" tại Ai Cập.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng chính quyền dân sự tại Ai Cập "cần được khôi phục càng sớm càng tốt" và ban lãnh đạo tương lai của nước này cần phản ánh ý nguyện của người dân.

Trước đó, ông đã kêu gọi các bên kiềm chế và đối thoại, cũng như đảm bảo quyền được tự do bày tỏ chính kiến và hội họp của người dân Ai Cập, đồng thời hối thúc tiến trình chuyển giao quyền lực trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc dân chủ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục