Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập cho biết, ngày 8/7, Tổng thống lâm thời nước này Adly Mansour đã thông qua sắc lệnh ấn định thời điểm bầu cử quốc hội vào đầu năm 2014.
Theo nội dung sắc lệnh, giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài sáu tháng, trong đó có năm tháng sửa đổi dự thảo Hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo và tiến hành thông qua bằng hình thức trưng cầu dân ý, và một tháng để tổ chức bầu cử Quốc hội.
Như vậy, cuộc bầu cử Quốc hội sẽ có thể được tiến hành vào trung tuần tháng 2/2014 và Quốc hội mới có thời hạn một tuần để ấn định thời điểm tổ chức bầu cử Tổng thống.
Cùng ngày, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã ra lệnh thành lập Ủy ban tư pháp chịu trách nhiệm điều tra vụ đụng độ bạo lực giữa quân đội và những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi sáng sớm hôm 8/7 ở thủ đô Cairo gây thương vong lớn.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng thống cho rằng vụ đụng độ trên là "âm mưu tấn công" trụ sở của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa.
Văn phòng Tổng thống kêu gọi những người biểu tình duy trì trật tự và tránh tiếp cận trụ sở các cơ quan trọng yếu cũng như các cơ sở quân sự.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh các vụ bạo lực trên sẽ không thể làm xói mòn nỗ lực thành lập chính phủ lâm thời cũng như lộ trình chính trị cho đất nước.
Theo nhật báo Al Ahram do nhà nước quản lý, ngay chiều cùng ngày, các thẩm phán đã bắt tay vào công tác điều tra và phát hiện nhiều đạn, bom xăng trong khu vực xảy ra đụng độ.
Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khám nghiệm tử thi và gặp gỡ các nhân chứng đang điều trị tại các bệnh viện địa phương.
Bộ Y tế Ai Cập cho biết ít nhất 51 người thiệt mạng và 435 người bị thương trong cuộc đụng độ này. Tuy nhiên, trong số các nạn nhân không có phụ nữ và trẻ em như thông tin trước đó của những người ủng hộ ông Morsi.
Cuộc đụng độ - được cho là đẫm máu nhất kể từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ - đã gây phản ứng khác nhau trong dư luận người dân và các chính đảng ở Ai Cập.
Chủ tịch đảng "Ai Cập Mạnh mẽ", ông Abdel Moneim Abul Fotouh, một nhân vật xuất thân từ tổ chức Anh em Hồi giáo, kêu gọi Tổng thống lâm thời Adly Mansour từ chức.
Tổ chức "Tiếng gọi Salafist" và đảng Nour, nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo, cũng lên án vụ đụng độ bạo lực và kêu gọi tất cả các bên ngừng kích động.
Đảng Hồi giáo Wasat có quan điểm ôn hòa kêu gọi quân đội rút khỏi chính trường, cho rằng đây là "giải pháp duy nhất" đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị hiện nay.
Chủ tịch đảng này Abul Ela Madi còn yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo lâm thời hiện nay tự nguyện từ chức.
Trong khi đó, Đại giáo chủ Ahmed El Tayeb đứng đầu Đại học Hồi giáo Al-Azhar, cơ quan học thuật có quyền lực cao nhất của dòng Hồi giáo Sunni, đề xuất đẩy nhanh cuộc điều tra khẩn cấp và yêu cầu chính quyền mới phóng thích tất cả các tù nhân chính trị.
Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh đối lập chính chống lại chính quyền của ông Morsi, lên án "tất cả các hành động bạo lực" bao gồm cả các cuộc tấn công nhằm vào các doanh trại và sĩ quan quân đội.
Chiến dịch "Tamarod" (Nổi dậy), lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Morsi, lên án âm mưu trả thù của các lực lượng Hồi giáo chính trị chống lại quân đội.
Người phát ngôn của chiến dịch này, ông Mohab Doss hối thúc những người ủng hộ ông Morsi "không đẩy đất nước vào tình trạng xung đột bạo lực."
Trong một diễn biến khác, các tay súng Hồi giáo giấu mặt di chuyển bằng ôtô và xe máy đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào lực lượng cảnh sát giao thông và trụ sở chính quyền của tỉnh Port Said.
Trong khi đó, Liên minh dân tộc Ủng hộ tính hợp pháp - một tổ chức mới được thành lập do Anh em Hồi giáo đứng đầu- kêu gọi biểu tình trên cả nước trong ngày 9/7 để phản đối cuộc đảo chính quân sự và các hành động đàn áp trong cuộc đụng độ sáng sớm ngày 8/7.
Lo ngại bạo lực tiếp tục leo thang, quân đội Ai Cập đã siết chặt an ninh tại các cửa ngõ ra vào thủ đô Cairo và tỉnh Giza lân cận.
Xe bọc thép cũng được triển khai trên nhiều tuyến đường và trụ sở các cơ quan nhà nước quan trọng tại Cairo./.
Theo nội dung sắc lệnh, giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài sáu tháng, trong đó có năm tháng sửa đổi dự thảo Hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo và tiến hành thông qua bằng hình thức trưng cầu dân ý, và một tháng để tổ chức bầu cử Quốc hội.
Như vậy, cuộc bầu cử Quốc hội sẽ có thể được tiến hành vào trung tuần tháng 2/2014 và Quốc hội mới có thời hạn một tuần để ấn định thời điểm tổ chức bầu cử Tổng thống.
Cùng ngày, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã ra lệnh thành lập Ủy ban tư pháp chịu trách nhiệm điều tra vụ đụng độ bạo lực giữa quân đội và những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi sáng sớm hôm 8/7 ở thủ đô Cairo gây thương vong lớn.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng thống cho rằng vụ đụng độ trên là "âm mưu tấn công" trụ sở của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa.
Văn phòng Tổng thống kêu gọi những người biểu tình duy trì trật tự và tránh tiếp cận trụ sở các cơ quan trọng yếu cũng như các cơ sở quân sự.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh các vụ bạo lực trên sẽ không thể làm xói mòn nỗ lực thành lập chính phủ lâm thời cũng như lộ trình chính trị cho đất nước.
Theo nhật báo Al Ahram do nhà nước quản lý, ngay chiều cùng ngày, các thẩm phán đã bắt tay vào công tác điều tra và phát hiện nhiều đạn, bom xăng trong khu vực xảy ra đụng độ.
Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khám nghiệm tử thi và gặp gỡ các nhân chứng đang điều trị tại các bệnh viện địa phương.
Bộ Y tế Ai Cập cho biết ít nhất 51 người thiệt mạng và 435 người bị thương trong cuộc đụng độ này. Tuy nhiên, trong số các nạn nhân không có phụ nữ và trẻ em như thông tin trước đó của những người ủng hộ ông Morsi.
Cuộc đụng độ - được cho là đẫm máu nhất kể từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ - đã gây phản ứng khác nhau trong dư luận người dân và các chính đảng ở Ai Cập.
Chủ tịch đảng "Ai Cập Mạnh mẽ", ông Abdel Moneim Abul Fotouh, một nhân vật xuất thân từ tổ chức Anh em Hồi giáo, kêu gọi Tổng thống lâm thời Adly Mansour từ chức.
Tổ chức "Tiếng gọi Salafist" và đảng Nour, nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo, cũng lên án vụ đụng độ bạo lực và kêu gọi tất cả các bên ngừng kích động.
Đảng Hồi giáo Wasat có quan điểm ôn hòa kêu gọi quân đội rút khỏi chính trường, cho rằng đây là "giải pháp duy nhất" đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị hiện nay.
Chủ tịch đảng này Abul Ela Madi còn yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo lâm thời hiện nay tự nguyện từ chức.
Trong khi đó, Đại giáo chủ Ahmed El Tayeb đứng đầu Đại học Hồi giáo Al-Azhar, cơ quan học thuật có quyền lực cao nhất của dòng Hồi giáo Sunni, đề xuất đẩy nhanh cuộc điều tra khẩn cấp và yêu cầu chính quyền mới phóng thích tất cả các tù nhân chính trị.
Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh đối lập chính chống lại chính quyền của ông Morsi, lên án "tất cả các hành động bạo lực" bao gồm cả các cuộc tấn công nhằm vào các doanh trại và sĩ quan quân đội.
Chiến dịch "Tamarod" (Nổi dậy), lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Morsi, lên án âm mưu trả thù của các lực lượng Hồi giáo chính trị chống lại quân đội.
Người phát ngôn của chiến dịch này, ông Mohab Doss hối thúc những người ủng hộ ông Morsi "không đẩy đất nước vào tình trạng xung đột bạo lực."
Trong một diễn biến khác, các tay súng Hồi giáo giấu mặt di chuyển bằng ôtô và xe máy đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào lực lượng cảnh sát giao thông và trụ sở chính quyền của tỉnh Port Said.
Trong khi đó, Liên minh dân tộc Ủng hộ tính hợp pháp - một tổ chức mới được thành lập do Anh em Hồi giáo đứng đầu- kêu gọi biểu tình trên cả nước trong ngày 9/7 để phản đối cuộc đảo chính quân sự và các hành động đàn áp trong cuộc đụng độ sáng sớm ngày 8/7.
Lo ngại bạo lực tiếp tục leo thang, quân đội Ai Cập đã siết chặt an ninh tại các cửa ngõ ra vào thủ đô Cairo và tỉnh Giza lân cận.
Xe bọc thép cũng được triển khai trên nhiều tuyến đường và trụ sở các cơ quan nhà nước quan trọng tại Cairo./.
(TTXVN)