Tổng thống Joe Biden tin tưởng nền kinh tế Mỹ vẫn "đi đúng hướng"

Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ, đồng thời bày tỏ tin tưởng "ngay cả khi Mỹ đối mặt với những thách thức toàn cầu lịch sử, Mỹ đang đi đúng hướng và sẽ vượt qua.
Tổng thống Joe Biden tin tưởng nền kinh tế Mỹ vẫn "đi đúng hướng" ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Quốc hội tại Washington, DC, ngày 1/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng nền kinh tế Mỹ đang "đi đúng hướng," với tốc độ tăng trưởng việc làm vững chắc, bất chấp nền kinh tế đầu tàu thế giới ghi nhận quý thứ hai liên tiếp suy giảm làm gia tăng lo ngại về cuộc suy thoái.

Trao đổi với báo giới sau khi dữ liệu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được công bố, Tổng thống Biden cho biết: "Không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) hành động để kiềm chế lạm phát."

Ông nhấn mạnh rằng thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ, đồng thời bày tỏ tin tưởng "ngay cả khi Mỹ đối mặt với những thách thức toàn cầu lịch sử, chúng ta đang đi đúng hướng và sẽ vượt qua quá trình chuyển đổi này mạnh mẽ hơn và an toàn hơn."

Số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố cùng ngày cho thấy GDP của Mỹ trong quý 2 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý suy giảm kinh tế thứ hai liên tiếp.

Trước đó, trong quý 1/2022, kinh tế Mỹ đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được xem là một thông tin không mấy tích cực đối với chính quyền của Tổng thống Biden trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Hầu hết các nhà kinh tế trước đó dự đoán GDP sẽ giảm trong quý thứ hai liên tiếp do nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với áp lực nhiều hơn từ lạm phát cao, lãi suất tăng, tăng trưởng việc làm chậm lại, doanh số bán nhà giảm và các khó khăn khác.

[Tổng thống Joe Biden lạc quan kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái]

Hai quý liên tiếp của tăng trưởng kinh tế giảm từ lâu đã được sử dụng như một quy tắc chung để xác định thời điểm nền kinh tế suy thoái và là "ngưỡng" chính thức cho suy thoái ở các quốc gia khác.

Tuy nhiên, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia - bên có vai trò xác định chính thức của các cuộc suy thoái ở Mỹ - định nghĩa suy thoái là "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế lan rộng trên toàn nền kinh tế, kéo dài hơn một vài tháng, thường có thể nhận thấy trong lĩnh vực chế tạo, thị trường việc làm, thu nhập thực tế và các chỉ số khác."

Trong khi đó, đà tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể khuyến khích Fed lùi lại việc mạnh tay tăng lãi suất, mặc dù phần lớn sẽ phụ thuộc vào đường đi của lạm phát vốn vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% do Fed đề ra.

Fed ngày 27/7 đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận hoạt động kinh tế đang suy yếu là kết quả của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục