Tổng thống Italy trao quyền thành lập chính phủ cho cựu Chủ tịch ECB

Việc cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi lên làm thủ tướng mới được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế của Italy tại thời điểm nước này đang đảm nhiệm chức chủ tịch Nhóm G20.
Tổng thống Italy trao quyền thành lập chính phủ cho cựu Chủ tịch ECB ảnh 1Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi. (Nguồn: AP)

Ngày 3/2, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã trao quyền thành lập chính phủ mới cho cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, sau cuộc gặp kéo dài gần 1 giờ tại Phủ Tổng thống.

Thông tin về việc trao quyền thành lập chính phủ cho ông Draghi đã ngay lập tức có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ Italy trong ngày 3/2 với chỉ số chứng khoán FTSE MIB tăng khoảng 2,5%.

Trước đó, Tổng thống Mattarella đã kêu gọi các lực lượng chính trị ở Italy ủng hộ việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tiếp sau việc từ chức hôm 26/1 của Chính phủ Giusseppe Conte.

[Liệu khủng hoảng chính trị ở Italy có sớm được giải quyết?]

Tổng thống cũng cho rằng khả năng Italy phải tiến hành bầu cử trước thời hạn là một lựa chọn "thiếu khôn ngoan" trong thời điểm hiện nay, khi Italy đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cũng theo Tổng thống, một trong những việc làm quan trong nhất của chính phủ kế tiếp là phòng chống dịch bệnh và nhanh chóng soạn thảo kế hoạch chi tiêu cho khoản tài trợ 209 tỷ euro tiếp nhận từ Quỹ Phục hồi của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp vực dậy nền kinh tế.

Trong nhiều tuần qua, giới quan sát đã nhận định ông Mario Draghi là lựa chọn hàng đầu để chèo lái đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.

Giuliano Noci, giáo sư bộ môn hoạch định chiến lược tại Đại học Bách khoa Milan, cho rằng ông Draghi là một nhân vật đầy quyết tâm và có nền tảng kiến thức uyên thâm.

Ông Draghi chắc chắn có đủ khả năng lãnh đạo để đưa Italy thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay nếu như có được sự ủng hộ của các lực lượng chính trị trong quốc hội cũng như của cả đất nước.

Ông Draghi, 73 tuổi, tốt nghiệp tiến sỹ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, và hiện đang là một giáo sư kinh tế tại nhiều trường đại học của Italy.

Ông có khoảng thời gian 6 năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) và từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy từ năm 2005 đến năm 2011.

Đáng chú ý, ông đã đảm nhiệm chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ năm 2011 đến năm 2019.

Ông được cho là đã cứu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tránh khỏi sự sụp đổ trong thời gian đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu năm 2012.

Việc ông Draghi lên làm thủ tướng mới được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế của Italy tại thời điểm nước này đang đảm nhiệm chức chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Tuy nhiên, có nhiều khó khăn thách thức ở trong nước mà ông Draghi đang phải đối mặt như kinh tế trì trệ, dịch COVID-19 hoành hành và các đảng phái chính trị thì lại đang bị chia rẽ sâu sắc.

Lãnh đạo đảng Dân chủ (PD) trung tả tuyên bố sẵn sàng ủng hộ ông Draghi, coi quyết định bổ nhiệm ông Draghi làm thủ tướng mới là liều thuốc để Italy thoát khỏi "thảm họa."

Cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi đồng thời là lãnh đạo đảng Italia Viva (IV), vốn là nhân vật khơi mào cho cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua ở đất nước "hình chiếc ủng" với quyết định rút đảng IV khỏi liên minh của ông Conte, cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Draghi.

Tuy nhiên, một thành viên cao cấp của đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S), đảng lớn nhất trong quốc hội hiện nay, yêu cầu giấu tên cho biết M5S sẽ không bao giờ ủng hộ một chính phủ do ông Draghi đứng đầu.

Công luận hiện đang tập trung sự chú ý vào các đảng thuộc phe cánh hữu, gồm đảng Liên đoàn có quan điểm hoài nghi châu Âu của ông Matteo Salvini, đảng trung hữu Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng cực hữu Những người anh em Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni.

Nhiều ý kiến cho rằng đảng Tiến lên Italy dự kiến sẽ đứng về phía ông Draghi.

Trong khi đó, đảng FdI đã bày tỏ dấu hiệu sẽ tiếp tục ở phe đối lập. Còn đảng Liên đoàn hiện vẫn chưa thể hiện quan điểm rõ ràng./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục