Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trưa 26/1, Phủ Tổng thống Italy thông báo Tổng thống Sergio Mattarella đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Giuseppe Conte, đồng thời yêu cầu chính phủ tiếp tục tại vị để xử lý các công việc hiện nay.
Các nguồn tin báo chí cho biết theo kế hoạch ngày 27/1, Tổng thống Mattarella sẽ tiến hành tham vấn với các chính đảng để đánh giá tình hình và ra quyết định của mình, chẳng hạn như có thể chỉ định một nhân vật mới để thay thế ông Conte.
Giới phân tích cho rằng ông Conte nhiều khả năng sẽ lại được Tổng thống Mattarella trao trọng trách thành lập chính phủ mới.
Nếu ông Conte thành công trong việc thành lập một liên minh đa số mở rộng cũng như một chính phủ mới, đây sẽ là chính phủ thứ ba do ông đứng đầu trong vòng 3 năm qua.
Một số chuyên gia nhận định vẫn chưa rõ liệu giờ đây ông Conte có thành công trong nỗ lực như vậy hay không.
Đảng Dân chủ (PD) và đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) hiện vẫn đang bất đồng sâu sắc trong việc nên hay không nên đàm phán lại với cựu Thủ tướng Matteo Renzi để có thêm sự ủng hộ trở lại của đảng Italia Viva.
Đảng Italia Viva đã quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền ngày 13/1, gây nên cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy.
[Italy: Thủ tướng Giuseppe Conte chính thức đệ đơn từ chức]
Theo các nguồn tin mới nhất, trước khi đệ đơn từ chức lên Tổng thống Matterella, 3 đảng gồm PD, M5S và đảng Tự do và Công bằng (LeU) tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ ông Conte.
Nhưng với số lượng thành phần gồm 3 đảng này, ông Conte vẫn chưa thể đảm bảo được đa số tại Quốc hội mà cần tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các đảng khác.
Quá trình thương lượng giữa ông Conte với số nghị sỹ trung lập hoặc các đảng khác cũng chỉ được tiến hành nếu Tổng thống Mattarella quyết định trao nhiệm vụ cho ông Conte thành lập chính phủ mới.
Theo kịch bản như vậy, nếu ông Conte không huy động đủ sự ủng hộ, Tổng thống Matterella sẽ phải lựa chọn nhân vật thay thế khác có khả năng hình thành liên minh cầm quyền ổn định.
Nếu cả kịch bản này cũng không thành công, Tổng thống sẽ buộc phải quyết định tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Tuy nhiên, bầu cử trước thời hạn được cho là ít có khả năng xảy ra nhất.
Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ nhất của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hồi đầu năm 2020 và hiện có số ca tử vong do đại dịch này gây ra khá cao, với hơn 85.800 trường hợp, xếp thứ 6 thế giới và thứ hai ở châu Âu.
Có 3 vùng hiện nay ở Italy cũng vẫn đang bị phong tỏa gần như hoàn toàn trong bối cảnh số ca nhiễm mới chưa thuyên giảm và chương trình tiêm chủng bị trì hoãn do nguồn cung vaccine chậm trễ.
Trước tình hình này, chính phủ mới ở Italy trong thời gian tới sẽ phải ưu tiên nguồn lực nhằm đối phó với dịch COVID-19 cũng như có đường hướng phù hợp nhằm khôi phục lại nền kinh tế vốn bị tác động nặng nề bởi đại dịch trong thời gian qua./.