Ngày 26/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết nước này có thể thảo luận những vấn đề khác với Mỹ nếu thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc được thực thi đầy đủ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề kỳ họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Mỹ, ông Rouhani nêu rõ: “Trước tiên, thỏa thuận hạt nhân nên được thực thi đầy đủ, nghĩa là Mỹ nên quay trở lại thỏa thuận và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, sau đó mới có thể thảo luận những vấn đề khác.”
Nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh nước Cộng hòa Hồi giáo muốn Washington xóa bỏ những điều kiện tiên quyết cho cuộc đàm phán với Tehran; trong đó có chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Iran, trước khi bất cứ cuộc thương lượng nào có thể diễn ra.
Ông Rouhani tuyên bố năng lực tên lửa của Iran là "không thể đàm phán."
Liên quan đến cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công các cơ sở lọc dầu trọng yếu của Saudi Arabia hôm 14/9 vừa qua, Tổng thống Rouhani khẳng định nước này không dính líu tới vụ việc, do đó không cần phải cung cấp bằng chứng.
Ông yêu cầu những nước đã đưa ra cáo buộc phải cung cấp bằng chứng cần thiết.
Trước đó, Mỹ, Pháp, Đức và Anh đều đổ lỗi cho Iran không kích các cơ sở lọc dầu tại Khurais và Abqaiq của Saudi Arabia.
Phát biểu tại cuộc họp báo cũng bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington muốn một giải pháp hòa bình nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Iran, song điều này phụ thuộc vào Tehran.
Cùng ngày 26/9, hãng tin SHANA của Bộ Dầu mỏ Iran đưa tin Tehran đã khởi động một cuộc điều tra an ninh tại cơ sở dầu mỏ và khí đốt chủ chốt của nước này, trong đó có việc sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công mạng sau khi có thông tin Mỹ đang cân nhắc khả năng tấn công mạng vào quốc gia Trung Đông này.
SHANA cho biết ông Pirouz Mousavi, người đứng đầu Đặc khu kinh tế năng lượng Pars (PSEEZ), đã kiểm tra cơ sở này và gặp gỡ những quản lý cấp cao của PSEEZ, bao gồm những người phụ trách an ninh mạng và đối phó với tình huống khẩn cấp.
[Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh muốn có giải pháp hòa bình với Iran]
PSEEZ đã được lập ra từ năm 1998 nhằm khai thác dầu mỏ và khí đốt ở mỏ Nam Pars, bể khí thiên nhiên lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran tiếp tục phá vỡ thỏa thuận hạt nhân khi bắt đầu làm giàu urani bằng các máy ly tâm tối tân và lên kế hoạch lắp đặt thêm nhiều loại máy tối tân này hơn tuyên bố trước đó.
Trong báo cáo gửi tới các quốc gia thành viên, IAEA nêu rõ các máy ly tâm tại cơ sở Natanz của Iran đang tích lũy hoặc chuẩn bị tích lũy urani làm giàu.
Bên cạnh đó, Iran đang thúc đẩy kế hoạch lắp đặt thêm các tầng máy ly tâm tiên tiến.
Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử, Iran chỉ được làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.
Ngoài ra, Tehran được sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, trong đó các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
Iran bắt đầu giảm dần các cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran cho biết các biện pháp này hoàn toàn có thể đảo ngược nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận tìm ra cách thức giúp bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bất chấp nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này không thể dừng mua dầu mỏ và khí thiên nhiên từ Iran.
Theo Đài truyền hình NTV, ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không sợ nguy cơ bị Mỹ trừng phạt vì giao thương với Iran và nói thêm rằng Ankara không muốn cắt quan hệ với Tehran./.