Tổng thống Iran lên án việc Saudi Arabia can thiệp vào Liban

Tổng thống Iran Rouhani đã lên án việc Saudi Arabia can thiệp vào Liban, đồng thời nhấn mạnh thật đáng xấu hổ đối với một quốc gia Hồi giáo khi phải "cầu xin" chế độ Israel tiến hành tấn công Liban.
Tổng thống Iran Hassan Rouhan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên án việc Saudi Arabia can thiệp vào Liban, đồng thời nhấn mạnh thật đáng xấu hổ đối với một quốc gia Hồi giáo khi phải "cầu xin" chế độ Israel tiến hành tấn công quân sự chống Liban.

Phát biểu tại một cuộc họp nội các ở thủ đô Tehran, Tổng thống Rouhani cũng cho rằng việc Thủ tướng Liban Saad Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức khi phát biểu được phát sóng truyền hình từ thủ đô Saudi Arabia là bị chính quyền Riyadh ép buộc. Theo ông, động thái này và thậm chí việc chỉ định một người thay thế là "sự can thiệp rõ ràng" vào vấn đề nội bộ của một quốc gia độc lập.

Tuyên bố của Iran được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày Tổng thống Liban Michel Aoun đã lần đầu tiên công khai cáo buộc Saudi Arabia "giam giữ" Thủ tướng Hariri. Theo ông, đây là hành động gây hấn đối với một quốc gia độc lập của chính quyền Riyadh.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Aoun cho rằng việc Thủ tướng Hariri chưa trở về Liban sau 12 ngày cũng như không thể liên lạc là bằng chứng cho thấy ông đã bị Saudi Arabia giam giữ, đồng thời nhấn mạnh hành động này là trái với Công ước Vienna và vi phạm nhân quyền. Tổng thống Hariri tái khẳng định Liban sẽ không chấp nhận và không đưa ra bất kỳ quyết định chính thức về tuyên bố từ chức khi đang ở nước ngoài của Thủ tướng Hariri. Bên cạnh đó ông cũng khẳng định hiện tình hình tại Liban vẫn bình thường cả về kinh tế và chính trị.


[Mỹ hối thúc các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền của Liban]

Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo tại Italy, Ngoại trưởng Liban Gebran Bassil cũng cho biết chính quyền Beirut sẽ thực hiện các bước đi theo "cách anh em" để giải quyết vấn đề liên quan đến ông Hariri. Ông Bassil khẳng định Liban muốn có quan hệ tốt với Saudi Arabia, song việc ông Hariri ở Riyadh từ hôm 4/11 đến nay là điều không bình thường.

Tuy nhiên, trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Hariri cùng ngày khẳng định mình vẫn bình thường và cam kết sẽ sớm trở về Liban.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo đã mời ông Hariri và gia đình đến Pháp. Ông khẳng định lời mời này không phải là đề nghị tị nạn chính trị, thay vào đó đây là “một hành động bạn bè”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục