Tổng thống Iran khẳng định việc gia nhập SCO là vì lợi ích quốc gia

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhấn mạnh Tehran muốn “tận dụng tối đa sức mạnh kinh tế và năng lực khu vực” của các nước thành viên SCO “vì lợi ích quốc gia của Iran."
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 14/9 tuyên bố Tehran sẽ theo đuổi tư cách thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong bối cảnh việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 lâm vào thế bế tắc.

Nhà lãnh đạo Iran đang có chuyến thăm tới Uzbekistan, nhằm tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra vào ngày 15-16/9 tại thành phố Samarkand.

Đây là hội nghị thượng đỉnh SCO đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

[Iran bác bỏ chỉ trích của châu Âu về đàm phán hạt nhân]

Tổng thống Raisi khẳng định một trong những nội dung quan trọng của hội nghị thượng đỉnh này là hoàn thiện các tài liệu về việc kết nạp thành viên SCO và quy trình pháp lý cần thiết để ngoại trưởng các nước thành viên ký thông qua.

Ông Raisi nhấn mạnh Tehran muốn “tận dụng tối đa sức mạnh kinh tế và năng lực khu vực” của các nước thành viên SCO “vì lợi ích quốc gia của Iran."

Tuyên bố trên của Tổng thống Iran được đưa ra trong bối cảnh Điện Kremlin ngày 13/9 cho biết Hội nghị thượng đỉnh SCO trong tuần này ở thành phố Samarkand (Uzbekistan) sẽ giới thiệu thành viên mới.

Cũng trong ngày 13/9, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tiết lộ “số lượng thành viên của SCO sẽ tăng lên” tại hội nghị thượng đỉnh ở Samarkand.

Là 1 trong 4 nước quan sát viên của SCO, Iran đã đăng ký trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này vào năm 2008, tuy nhiên nỗ lực của Nhà nước Hồi giáo đã bị chậm lại do các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và Mỹ áp đặt đối với chương trình hạt nhân của Tehran.

Tại một hội nghị ở Dushanbe vào tháng 9/2021, các thành viên của khối SCO đã tán thành tư cách thành viên trong tương lai của Iran.

SCO - gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và 4 nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây (Kazakhstan, Kyrgyzstan,Tajikistan, Uzbekistan) - được thành lập vào năm 2001 với tư cách là một tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh để cạnh tranh với các thể chế phương Tây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục