Ngày 29/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho Bộ Y tế nước này ngay lập tức giải ngân gói ngân sách trị giá 75.000 tỷ rupiah (5,26 tỷ USD) nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp nội các đánh giá về kết quả phòng chống dịch COVID-19, Tổng thống Widodo cũng kêu gọi Bộ Y tế cắt giảm các thủ tục phức tạp để giải ngân kịp thời các quỹ khẩn cấp trong bối cảnh số người nhiễm COVID-19 đã vượt quá 55.000 trường hợp, trong đó có 2.805 ca tử vong.
Theo chỉ đạo của Tổng thống Widodo, yêu cầu từ các bệnh viện phải được giải quyết càng sớm càng tốt.
[Indonesia: Việt Nam là đối thủ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài]
Các ưu đãi dành cho nhân viên y tế, nhân viên các phòng thí nghiệm, trợ cấp dành cho các y bác sỹ qua đời vì nhiễm COVID-19 cũng cần được giải ngân sớm.
Các đề xuất trên được đưa ra sau khi Phủ Tổng thống Indonesia đăng tải một đoạn video, trong đó Tổng thống Widodo bày tỏ sự tức giận và thất vọng rằng mới chỉ 1,53% gói ngân sách nói trên được giải ngân và yêu cầu Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Trong đoạn video dài 10 phút này, Tổng thống Widodo cũng đe dọa sẽ cải tổ nội các.
Chính phủ Indonesia đã phân bổ gói ngân sách trên cho một số hạng mục, từ nâng cấp 132 bệnh viện được chỉ định chuyên điều trị COVID-19 trên toàn quốc đến cung cấp các ưu đãi cho nhân viên y tế.
Theo Bộ Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa, phần lớn gói ngân sách 75.000 tỷ rupiah được dành để mua sắm thiết bị, tăng cường các cơ sở và hạ tầng y tế, cũng như hỗ trợ nhân viên y tế.
Mức ưu đãi dành cho các y bác sỹ từ 5-15 triệu rupiah mỗi tháng, trong khi gia đình mỗi nhân viên y tế qua đời do nhiễm COVID-19 là 300 triệu rupiah.
Tại cuộc họp nội các ngày 29/6, Tổng thống Widodo cũng một lần nữa kêu gọi sự “đột phá” trong việc ứng phó với đại dịch, như huy động các nhân viên y tế từ thủ đô Jakarta đến các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao và phân phối nhiều thiết bị y tế đến các khu vực đang rất cần.
Ông Widodo cũng cảnh báo các khu vực cần chuẩn bị tốt trước khi nới lỏng các hạn chế và chuyển sang trạng thái “bình thường mới,” đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng, các nhà xã hội học và nhân chủng học trong truyền thông về dịch bệnh.
Trước đó, hôm 27/6, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết nhiều nhân viên y tế ở nước này vẫn chưa nhận được ưu đãi từ chính phủ theo kế hoạch, do việc giải ngân các quỹ đòi hỏi phải xác minh để đảm bảo tính chính xác của những người được thụ hưởng.
Trong khi đó, theo DBS - ngân hàng lớn nhất Singapore, với chi tiêu hộ gia đình mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ, Indonesia vẫn là một trong những thị trường đầu tư ưa thích ở Đông Nam Á, bất chấp việc quốc gia này đang phải vật lộn chống lại đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo công bố ngày 29/6, DBS cho rằng Indonesia sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường sau khi nới lỏng các hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh, trong khi chi tiêu hộ gia đình, vốn đóng góp hơn một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sẽ tiếp tục dẫn dắt tiến trình phục hồi kinh tế.
Báo cáo khẳng định động lực đầu tư vào Indonesia nằm ở nhân khẩu học thuận lợi. Indonesia là quốc gia đông dân thứ ba ở châu Á, thứ tư thế giới và có tỷ lệ người lao động trẻ cao.
Thị trường chứng khoán Indonesia, cùng với nước láng giềng Singapore, đang được giao dịch với mức giá gấp 13 lần so với thu nhập và được coi là những thị trường rẻ nhất trong ASEAN.
Trong khi đó, với các gói kích thích tài chính và chính sách hỗ trợ nới lỏng tiền tệ của Chính phủ, cùng với sức mạnh từ cấu trúc nhân khẩu học, Indonesia được kỳ vọng sẽ kết thúc giai đoạn khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 trong quý 2/2020./.