Ngày 23/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố nội các mới trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Phát biểu tại Phủ Tổng thống, ông Widodo cho biết ông đã chỉ định cựu Bộ trưởng Công nghiệp Airlangga Hartarto làm Bộ trưởng Kinh tế; nhà kinh tế Sri Mulyani Indrawati giữ chức Bộ trưởng Tài chính.
Đặc biệt, thủ lĩnh đối lập trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Widodo và là đối thủ duy nhất của ông trong cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua, ông Prabowo Subianto được chỉ định giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Nhà đồng sáng lập đồng kiêm Giám đốc điều hành Công ty thanh toán Gojek Nadiem Makarim được chỉ định làm Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa.
Cựu lãnh đạo hãng sản xuất phân bón nhà nước Arifin Tasrif giữ chức Bộ trưởng Năng lượng và Các nguồn khoáng sản.
[Indonesia: Lãnh đạo phe đối lập đồng ý tham gia nội các]
Một đồng minh lâu năm của Tổng thống Widodo, Luhut Pandjaitan được giữ tại nhiệm chức Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải, bao gồm giám sát lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và đầu tư.
Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Widodo đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm, tiếp tục lãnh đạo đất nước Indonesia sau nhiệm kỳ đầu tiên với dấu ấn phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng, Tổng thống Widodo cam kết tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở, tăng cường triển khai các dự án kết nối các cảng biển và sân bay trên toàn quốc thành các trung tâm nông nghiệp và du lịch, chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh Indonesia bị đánh giá là "tụt hậu" so với một số nước láng giềng về phát triển lực lượng lao động lành nghề.
Cụ thể, Chính phủ Indonesia sẽ đầu tư vào các trường dạy nghề, thành lập một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các tài năng cũng như tận dụng tối đa năng lực của những người Indonesia định cư ở nước ngoài...
Ngoài ra, ông cam kết "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, coi đây là một nguồn quan trọng góp phần tạo thêm nhiều việc làm trong nước, qua đó thúc đẩy nền kinh tế quốc dân tăng trưởng.
Tổng thống Joko Widodo nêu rõ nạn tham nhũng và lợi ích nhóm là nguyên nhân chính cản trở vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nền kinh tế Indonesia./.