Đặc biệt, trong cuộc cải tổ nội các trên quy mô lớn này, một số chuyên gia đã được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các bộ quan trọng, nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc của chính quyền và gia tăng sự ủng hộ của dân chúng.
Theo danh sách nội các mới, Tổng thống Yudhoyono đã bổ nhiệm hai chuyên gia về cải cách làm lãnh đạo Bộ Thương mại và Bộ Doanh nghiệp nhà nước, nhằm nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư đối với ưu tiên của chính phủ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.
Tân Bộ trưởng Thương mại Gita Wirjawan từng là Chủ nhiệm Ủy ban Đầu tư và cựu Thống đốc ngân hàng; trong khi Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Dahlan Iskan vốn là Tổng Giám đốc Công ty Điện lực nhà nước. Hai tân bộ trưởng này không thuộc đảng phái chính trị nào. Ông Wirjawan được đánh giá là có đóng góp lớn trong việc làm gia tăng đáng kể đầu tư nước ngoài vào Indonesia, trong khi ông Iskan giúp đẩy mạnh nguồn cung về điện.
Ngoài ra, Tổng thống Yudhoyono còn thay thế người đứng đầu các bộ như bộ Môi trường, Năng lượng, Giao thông, Du lịch và Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ, Ngư nghiệp và Hàng hải, Nhà ở công cộng, Nâng cao năng lực Bộ máy nhà nước, Tình báo quốc gia...
Trong cuộc cải tổ này có 19 tân thứ trưởng, họ đều là chuyên gia và không tham gia đảng phái chính trị nào.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh: "Đợt cải tổ này nhằm tạo điều kiện để thêm nhiều chuyên gia tham gia nội các nhằm tăng tính xã hội của nội các". Ông cho biết trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay, thương mại của Inđônêxia cần thâm nhập thị trường toàn cầu.
Đợt cải tổ nội các sâu rộng này được tiến hành sau khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yudhoyono giảm xuống còn 38% sau khi một số bộ trưởng trong nội các cũ bị cáo buộc nhận hối lộ hoặc có dính líu đến các vụ bê bối về tình cảm, khiến một bộ phận người dân lo ngại chính quyền của ông chưa làm hết sức để đẩy lùi nạn tham nhũng.
Tổng thống Yudhoyono tái đắc cử nhiệm kỳ 5 năm hồi tháng 7/2009. Ông cam kết tiếp tục đẩy mạnh những cải cách đã đạt được trong nhiệm kỳ đầu, bao gồm đấu tranh chống tham nhũng và cải cách hành chính. Dưới sự lãnh đạo của ông, nền kinh tế Indonesia được đánh giá là đã đứng vững trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Tổng thống Yudhoyono đặt mục tiêu giảm đói nghèo và từ nay đến cuối nhiệm kỳ tổng thống (năm 2014), Indonesia đạt tăng trưởng kinh tế hàng năm 6,6%./.