Tổng thống Hy Lạp kêu gọi lập chính phủ kỹ trị

Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias kêu gọi tổ chức đàm phán về thành lập chính phủ kỹ trị nhằm chấm dứt những bất đồng ở nước này.
Ngày 14/5, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias kêu gọi tổ chức đàm phán về thành lập chính phủ kỹ trị ở nước này nhằm chấm dứt những bất đồng xoay quanh vấn đề cứu trợ vỡ nợ đang có nguy cơ buộc "Xứ sở thần thoại" phải tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn lần hai và rút khỏi khu vực đồng euro.

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Papoulias cùng lãnh đạo các đảng Dân chủ Mới (ND) và Dân chủ Cánh tả cấp tiến, người đứng đầu đảng PASOK theo đường lối xã hội Evangelos Venizelos cho biết cuộc đàm phán có thể diễn ra vào 5 giờ chiều 15/5 (giờ Việt Nam) nhằm thành lập một chính phủ bao gồm các nhân vật xuất sắc và không thuộc giới chính trị.

Năm ngoái, ông Venizelos từng liên minh với ND thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để được nhận cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng đã bị đa số cử tri bác bỏ trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 6/5 vừa qua.

Ông Antonis Samaras thuộc ND kêu gọi các đảng thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thành lập chính phủ sau tổng tuyển cử. Những người đứng đầu đảng Dân chủ Cánh tả, đảng Liên minh các lực lượng cực tả Syriza và đảng Hy Lạp Độc lập đã nhất trí tham gia đàm phán. Như vậy, chỉ còn đảng Cộng sản (KKE) theo đường lối cứng rắn và đảng Bình minh Vàng cực hữu chưa xác nhận tham gia.

Bế tắc chính trị tại Hy Lạp xảy ra đúng thời điểm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro nhóm họp ở Brussels, Bỉ. Tại cuộc họp, các quan chức tài chính khu vực yêu cầu Hy Lạp thực hiện các cải cách đã cam kết để nhận được toàn bộ hai gói cứu trợ, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả là rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tuy nhiên, sau cuộc họp, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro Jean-Claude Juncker cho biết các nước thành viên khu vực đã khẳng định "mong muốn không gì lay chuyển được" là đảm bảo để Hy Lạp tiếp tục ở lại câu lạc bộ đồng tiền chung châu Âu.

Theo các nhà quan sát, với lời kêu gọi trên, Tổng thống Papoulias dường như muốn quay lại giải pháp thành lập chính phủ kỹ trị giống chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Lucas Papademos nhằm ít nhất duy trì sự ổn định cho Hy Lạp đủ lâu để nhận được cứu trợ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục