Ngày 21/8, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã chỉ định thủ lĩnh đảng đối lập Dân chủ Mới Vangelis Meimarakis đứng ra thành lập chính phủ sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố từ chức.
Động thái này được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp Hy Lạp khi liên minh cầm quyền hiện nay do đảng cánh tả Syriza đứng đầu, chưa lãnh đạo đất nước được quá thời gian 12 tháng.
Sau khi được Tổng thống Pavlopoulos chỉ định, ông Meimarakis tuyên bố sẽ tiến hành đàm phán với lãnh đạo các đảng phái trong Quốc hội Hy Lạp về khả năng thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ này chỉ chiếm 76 ghế trong Quốc hội 300 ghế nên nhiều khả năng đảng này sẽ không thể có đủ đối tác để thành lập chính phủ kể cả có liên minh với Đảng Cộng sản (KKE) và đảng "Bình minh vàng". Trong trường hợp ông Meimarakis không thể thành lập được chính phủ mới trong 3 ngày tới, theo Hiến pháp Hy Lạp, đảng lớn tiếp theo trong Quốc hội sẽ đứng ra thành lập chính phủ với khả năng thất bại cũng tương tự như đảng Dân chủ Mới. Sau đó, Tổng thống Pavlopoulos mới có thể chính thức tuyên bố tiến hành bầu cử trước thời hạn theo yêu cầu của Thủ tướng vừa từ chức Tsipras.
Việc Thủ tướng Tsipras từ chức và kêu gọi bầu cử sớm được coi là bước đi có chủ định của ông này giữa lúc nhiều nghị sĩ thuộc đảng Syriza phản đối gói cứu trợ quốc tế mới dành cho Hy Lạp vì nó đi kèm với rất nhiều điều khoản yêu cầu Athens phải thực hiện các cải cách mang tính khắc khổ. Ông Tsipras muốn cuộc bầu cử diễn ra càng sớm càng tốt để có thể tranh thủ sự ủng hộ hiện nay của các cử tri trước khi tiến hành giai đoạn cải cách tiếp theo vì khi đó các biện pháp như cắt giảm lương hưu, tăng thêm thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân./.