Tổng thống Hàn Quốc cam kết ủng hộ ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19

Hàn Quốc sẽ đảm bảo lập các quỹ bổ sung cho việc hỗ trợ nhân đạo và tiến hành viện trợ trên phạm vi toàn diện nhất có thể khi nhận được lời kêu gọi hỗ trợ từ các quốc gia khác, trong đó có ASEAN.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 14/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết dành mọi sự ủng hộ có thể đối với các nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều quốc gia khác trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN+3 (APT) về ứng phó với đại dịch COVID-19 do Việt Nam chủ trì, Tổng thống Moon nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành cách ly và hỗ trợ y tế đúng thời điểm đối với những trường hợp có nhu cầu cấp bách.

Ông cũng khẳng định "Hàn Quốc sẽ đảm bảo lập các quỹ bổ sung cho việc hỗ trợ nhân đạo và tiến hành viện trợ trên phạm vi toàn diện nhất có thể khi nhận được lời kêu gọi hỗ trợ từ các quốc gia khác, trong đó có ASEAN."

Hiện Seoul cũng đang thảo luận các cách thức để có thể sử dụng phù hợp Quỹ hợp tác ASEAN và Hàn Quốc. 

Tổng thống Hàn Quốc còn bày tỏ hy vọng rằng khu vực Đông Nam Á sẽ sớm vượt qua được cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 bằng cách huy động mọi nguồn lực sẵn có. Ông cũng đã dẫn ra các quỹ hỗ trợ đầy tin cậy tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và quỹ tài trợ riêng của các nước thành viên APT.  

Liên quan vấn đề suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19, Tổng thống Moon đề xuất duy trì "luồng trao đổi thương mại, đầu tư và nguồn nhân lực thiết yếu."

Ông đánh giá các nước tham gia APT có thể đóng vai trò là chất xúc tác đưa chuỗi cung ứng toàn cầu trở lại đúng hướng. Bên cạnh đó, bày tỏ hy vọng rằng "các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được vận hành trên quy mô tối đa bắt đầu với ASEAN+3."

Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất các quốc gia APT tìm kiếm thêm nhiều cách thức nhằm cho phép thực hiện việc đi lại qua biên giới đối với những trường hợp quan trọng như các chủ doanh nghiệp, các chuyên gia y tế và nhân viên cứu trợ.

[Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh hợp tác khu vực trong đối phó COVID-19]

Cũng tại hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo toàn bộ các nước ASEAN, Malaysia đã đề xuất ASEAN cần xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế sau khi dịch bệnh chấm dứt.

Theo Malaysia, kế hoạch của ASEAN không nên chỉ tập trung vào các khía cạnh tài chính, mà còn cần hướng đến các mạng lưới an toàn xã hội, an ninh lương thực và giáo dục.

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Malaysia, kế hoạch khôi phục kinh tế của ASEAN cũng cần bao gồm các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ đáp ứng nhu cầu của 600 triệu người dân trong khu vực.

Theo đó, nguồn cung y tế, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác cũng như hạ tầng cần được đảm bảo, thông qua các dòng chảy thương mại bằng cả đường biển, hàng không và đường bộ. Các nước thành viên ASEAN cần làm việc cùng nhau để không ai bị bỏ lại phía sau.

Cũng theo đề xuất của Malaysia, các quốc gia thành viên ASEAN không nên áp dụng bất cứ rào cản không cần thiết nào gây ảnh hưởng đến dòng chảy nguồn cung y tế, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác.

Malaysia cho rằng ASEAN cần phát triển thành một trung tâm tăng trưởng và là một nguồn lực mới, không chỉ phục vụ cho người dân trong khu vực mà còn cho cả thế giới.

Nước này cũng ủng hộ việc thành lập Quỹ phản ứng ASEAN về COVID-19 với mục tiêu tăng cường kho dự trữ khẩn cấp dành cho bất cứ đợt bùng phát dịch bệnh nào trong tương lai.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã thông báo một số chiến lược chủ chốt của nước này nhằm xử lý các vấn đề phát sinh do dịch bệnh, trong đó có việc áp dụng Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO). 

Phóng viên TTXVN tại Malaysia cho hay theo MCO, các dịch vụ không thực sự thiết yếu của chính quyền và khu vực tư nhân tại Malaysia đã được lệnh đóng cửa. Các hoạt động đi lại, tập trung đông người cũng bị nghiêm cấm, trong khi người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết.

Ngoài ra, tất cả công dân Malaysia từ nước ngoài trở về bắt buộc phải thực hiện kiểm tra y tế và cách ly hai tuần.

Đặc biệt, tại các khu vực có số ca nhiễm bệnh cao, việc ra vào bị nghiêm cấm hoàn toàn và tất cả người dân trong các khu vực này đều được xét nghiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục