Trong một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng bế tắc chính trị trong nước, ngày 25/12, Tổng thống Haiti Michel Martelly đã chỉ định chính trị gia kỳ cựu Evans Paul làm Thủ tướng chính phủ mới.
Ông Paul sẽ phải chờ sự phê chuẩn của cả hai viện tại quốc hội mới có thể thành lập chính phủ mới.
Giới phân tích cho rằng Tổng thống Martelly sẽ gây áp lực để các nhà lập pháp phê chuẩn quyết định trên.
Nếu được phê chuẩn, ông Paul sẽ thay thế cựu Thủ tướng Laurent Lamothe, người đã từ chức hồi đầu tháng này sau khi phải đối mặt với hàng loạt sức ép do không thể tiến hành bầu cử quốc hội trong vòng ba năm qua.
Quyết định từ chức của ông Lamothe đe dọa đẩy đất nước nghèo nhất ở châu Mỹ rơi vào khủng hoảng chính trị một lần nữa.
Trước đó, ngày 21/12, Bộ trưởng Y tế Haiti Florence Duperval Guillaume đã được chỉ định làm thủ tướng chính phủ lâm thời trong vòng 30 ngày trước khi Tổng thống Martelly đề cử một ứng viên chính thức để trình Quốc hội thông qua
Các đảng đối lập ở Haiti đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ, yêu cầu Tổng thống Martelly từ chức do lo ngại ông này có thể sẽ tiếp tục điều hành đất nước bằng sắc lệnh khi quốc hội mãn nhiệm vào ngày 12/1/2015 tới sau 3 năm trì hoãn bầu cử.
Trước đó, Haiti đã buộc phải hoãn bầu cử quốc hội và bầu cử địa phương dự kiến vào cuối tháng Mười vừa qua do Quốc hội không thông qua được luật bầu cử. Quốc hội hiện nay của Haiti sẽ phải ngừng hoạt động vào ngày 12/1/2015 nếu như nước này không thể tổ chức tổng tuyển cử trước khi Thượng viện kết thúc nhiệm kỳ.
Nếu tình huống này xảy ra, Haiti sẽ không thể có chính phủ cho tới khi tiến hành bầu cử tổng thống vào cuối năm 2015, thời điểm Tổng thống Martelly mãn nhiệm.
Để ngăn kịch bản xấu xảy ra, Tổng thống Martelly cam kết sẽ tiến hành tham vấn với nhiều nhóm khác nhau. Nếu cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử địa phương được tổ chức, người dân Haiti sẽ bầu chọn 20 thượng nghị sỹ, 102 hạ nghị sỹ cho Quốc hội và lãnh đạo các thành phố./.