Ngày 30/1, Tổng thống Guinea-Bissau Jose Mario Vaz đã ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Augusto Antonio Artur Da Silva làm Thủ tướng mới của quốc gia Tây Phi này.
Sắc lệnh khẳng định việc bổ nhiệm ông Da Silva nằm trong những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp kéo dài nhiều năm qua tại Guinea-Bissau.
Nhiệm vụ trước mắt của tân Thủ tướng là tổ chức thành công cuộc bầu cử quốc hội mới sau một vài tháng nữa.
Việc bổ nhiệm ông Da Silva, vốn từng giữ chức Ngoại trưởng và là thành viên của đảng Người Phi vì Độc lập của Guinea và Cape Verde (PAIGC) cầm quyền, làm Thủ tướng diễn ra hai tuần sau khi Thủ tướng tiền nhiệm Umaro Sissoco Embalo từ chức với lý do “không còn nhận được sự tin tưởng của Tổng thống.”
Trong khoảng thời gian chưa đầy một năm làm Thủ tướng, ông Embalo đã không còn nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên trong đảng PAIGC.
Theo hiến pháp hiện hành của Guinea-Bissau, việc lựa chọn Thủ tướng do đảng cầm quyền quyết định.
Tuy nhiên, do đảng PAIGC cầm quyền không còn chiếm đa số trong quốc hội nên Tổng thống Vaz đã phải tìm kiếm sự ủng hộ từ các nghị sỹ của đảng chính trị lớn thứ hai là đảng Tái thiết Xã hội và 15 nghị sỹ ly khai khỏi PAIGC.
Guinea-Bissau đã chìm vào cuộc tranh giành quyền lực chính trị từ tháng 8/2015 khi Tổng thống Vaz cách chức Thủ tướng Domingos Simoes Pereira.
Thời điểm đó, mặc dù đều là thành viên của đảng PAIGC, nhưng hai ông này đã có những cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm quá trình thực thi một thỏa thuận ký kết năm 2016.
Thỏa thuận này khẳng định người “chiếm được lòng tin của Tổng thống” sẽ làm Thủ tướng và tại vị cho đến khi cuộc tổng tuyển cử được tiến hành vào năm 2018.
Tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) diễn ra hồi tháng trước, lãnh đạo khối này đã kêu gọi Guinea-Bissau giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong vòng hai tháng nếu không muốn bị áp đặt các lệnh trừng phạt./.