Nỗ lực của Tổng thống Ecuador Lenin Moreno giảm thâm hụt ngân sách đã thất bại sau khi quốc hội nước này ngày 17/11 bác dự luật cải cách tiền tệ và thuế do ông đề xuất.
Trong thông báo đăng trên tài khoản Twitter, Quốc hội Ecuador cho hay với 70 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 31 phiếu trắng, tại phiên họp toàn thể, các nghị sỹ nhất trí không thông qua Dự luật Tăng trưởng kinh tế.
Theo nhiều nghị sỹ, dự luật trên cần có thêm thời gian để nghiên cứu và xem xét.
Dự luật trên nhằm cải thiện hệ thống thuế thông qua việc tăng thuế trong một số lĩnh vực và đặt ra yêu cầu về khoản đóng góp đặc biệt cho ngân sách đối với các công ty có thu nhập hơn 1 triệu USD/tháng.
Bên cạnh đó, trong dự luật này, chính phủ đề xuất trao quyền tự quyết định cho ngân hàng trung ương Ecuador.
[Ecuador: Liên đoàn CONAIE hủy cuộc đối thoại với chính phủ]
Một số đề xuất trong dự luật đã vấp phải sự phản đối với cộng đồng thổ dân và các tổ chức trong xã hội, trong khi phe đối lập cho rằng văn kiện này chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành ngân hàng.
Dự luật này xuất phát từ khoản vay tín dụng trị giá 4,2 tỷ USD mà Ecuador đạt được với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 2 vừa qua.
Chính phủ của Tổng thống Moreno hy vọng rằng những cải cách này sẽ giúp ngân sách thu về hơn 700 triệu USD trong năm tới, qua đó giúp giảm thâm hụt ngân sách.
Ecuador dự đoán mức thâm hụt ngân sách của nước này trong năm nay vào khoảng 3,6 tỷ USD và có kế hoạch giảm xuống còn 3,4 tỷ USD trong năm tới.
Tình hình tại Ecuador trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Moreno thông qua gói cải cách kinh tế, trong đó có việc chấm dứt chính sách trợ giá nhiên liệu vốn được áp dụng trong 40 năm qua.
Việc dừng trợ giá được cho là khiến giá nhiên liệu tăng tới 120%, dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ do người lao động trong ngành giao thông khởi xướng, có sự tham gia của sinh viên và các nghiệp đoàn nhiều ngành nghề khác, buộc Chính phủ Ecuador phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trước tình hình này, trung tuần tháng 10 vừa qua, Chính phủ Ecuador đã buộc phát rút lại sắc lệnh ngừng trợ cấp nhiên liệu và mở cuộc đối thoại với Tổng liên đoàn các cộng đồng thổ dân Ecuador (CONAIE) nhằm chấm dứt khủng hoảng./.