Theo New York Times/BBC/Politico, theo dự kiến, vào cuối tháng Hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai, với kỳ vọng khai thông bế tắc trong các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về báo cáo “Đánh giá Đe dọa Toàn cầu” thường niên, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats đã dội một gáo nước lạnh vào những hy vọng này khi khẳng định rằng dù đã hứa hẹn sẽ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” song Bình Nhưỡng khó có thể từ bỏ các vũ khí nguyên tử.
New York Times nhận định rằng trong phiên điều trần, Dan Coats đã tránh trực tiếp đặt dấu hỏi về các chính sách của chính quyền, dù báo cáo liệt kê chi tiết những mối đe dọa mà Mỹ đang đối mặt từ một góc độ hoàn toàn khác với quan điểm của Chính quyền Washington.
Báo cáo có đoạn: “Các đánh giá của chúng tôi cho thấy có rất ít khả năng Triều Tiên từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các tên lửa của nước này, cũng như từ bỏ khả năng sản xuất của họ."
Lãnh đạo Tình báo Quốc gia Mỹ nói thêm rằng dù Bình Nhưỡng đã đình chỉ các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ hơn một năm nay, cũng như đã tháo dỡ một số phần của các cơ sở có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, “chúng tôi tiếp tục quan sát thấy có những hoạt động không tương thích với tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn."
Theo đánh giá của Dan Coats, Triều Tiên chỉ muốn thương lượng các biện pháp phi hạt nhân hóa một phần để đạt được những nhượng bộ quan trọng từ Mỹ và cộng đồng quốc tế, còn trong thực tế “giới lãnh đạo Bình Nhưỡng vẫn xem vũ khí hạt nhân là rất cần thiết cho sự tồn tại của chế độ."
Từ nhiều năm qua, giới tình báo Mỹ vẫn rất hoài nghi mức độ chân thành của Bình Nhưỡng đối với tiến trình phi hạt nhân hoá và đánh giá của họ trong báo cáo trình Quốc hội trái ngược hoàn toàn với thái độ lạc quan quá mức của Tổng thống Trump, người từng vội vã tuyên bố sau thượng đỉnh Singapore rằng Triều Tiên nay không còn là mối đe dọa hạt nhân đối với Mỹ.
[Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Bốn thách thức lớn]
Nói cách khác, đối với giới tình báo Mỹ, hy vọng của Trump về “một bước đột phá” trong đàm phán hạt nhân với Kim Jong-un trong thượng đỉnh lần hai chỉ là hão huyền.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố hôm 21/1, một trong 20 căn cứ vận hành tên lửa đạn đạo chưa được khai báo ở Triều Tiên đóng vai trò là một trụ sở tên lửa.
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo có đoạn: “Cơ sở vận hành tên lửa Sino-ri và tên lửa Nodong được triển khai tại địa điểm này phù hợp với chiến lược quân sự hạt nhân được phỏng đoán của Triều Tiên."
Thông tin này được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo ông đang “hướng tới” một hội nghị thượng đỉnh khác để thảo luận về phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 2/2019.
CSIS cho biết căn cứ Sino-ri chưa bao giờ được Bình Nhưỡng công khai và vì thế đây “dường như không phải là đối tượng của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa."
Báo cáo lưu ý rằng các căn cứ vận hành tên lửa lẽ ra phải được khai báo, xác minh và dỡ bỏ trong mọi thỏa thuận phi hạt nhân hoá.
Victor Cha, một trong những tác giả của báo cáo, bình luận: “Triều Tiên sẽ không đàm phán về những điều mà họ không tiết lộ. Có vẻ như họ đang không nghiêm túc. Họ vẫn muốn có năng lực hạt nhân, ngay cả khi họ tuyên bố phá hủy các cơ sở đã được khai báo."
Báo cáo của CSIS cũng cho biết thêm rằng nằm cách Khu phi quân sự (DMZ) 212 km về phía Bắc và rộng 18 km2, khu phức hợp Sino-ri đóng vai trò then chốt trong việc phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến Hàn Quốc, Nhật và thậm chí cả đảo Guam, lãnh thổ Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Theo New York Times, trong báo cáo được công bố ngày 29/1, giới tình báo cũng nhấn mạnh tới mối đe dọa an ninh mạng ngày càng lớn từ Trung Quốc và Nga, những toan tính có kế hoạch bài bản nhất từ giữa những năm 1950 trở lại đây; các mối đe dọa về biến đổi khí hậu - điều mà Tổng thống Trump cho là đã bị thổi phồng.
Không chỉ đối lập với nhận định của chính quyền tại Washington trong vấn đề Triều Tiên, Đánh giá Đe dọa Toàn cầu của tình báo Mỹ còn đưa ra nhận định trái ngược với những nguyên nhân mà Tổng thống Trump viện dẫn cho sáng kiến chính sách đối ngoại nhằm vào Iran là trên thực tế nước cộng hòa Hồi giáo này hiện chưa hề có động thái hay nỗ lực nào nhằm phát triển và chế tạo bom như bị cáo buộc.
Báo cáo dài 42 trang cũng phản ánh rằng các chính sách thương mại của Mỹ và chủ nghĩa đơn phương - chủ đề trung tâm trong lập trường “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump - đã khiến các mối quan hệ liên minh trở nên căng thẳng và buộc các đối tác nước ngoài phải tìm kiếm những mối quan hệ mới.
Tổng thống Trump đã gọi các cơ quan tình báo Mỹ là “ngây thơ” trong vấn đề Iran và bác bỏ đánh giá của họ về mối đe dọa do Triều Tiên đặt ra. Sau khi báo cáo tình báo thường niên được công bố, Tổng thống Trump viết trên trang Twitter cá nhân: “Hãy cẩn thận với Iran. Có lẽ tình báo nên quay lại trường học."
Về Triều Tiên, Tổng thống Trump cho rằng “thời gian sẽ trả lời” và thời điểm cuối nhiệm kỳ của chính quyền tiền nhiệm, “mối quan hệ (Mỹ-Triều) từng khủng khiếp và những điều rất tồi tệ cận kề… Còn hiện nay là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi mong được gặp Kim Jong-un trong thời gian ngắn. Tiến trình đang được thực hiện - một sự khác biệt lớn."
Hãng tin BBC nhận định đây không phải là lần đầu tiên ông Trump va chạm với giới lãnh đạo tình báo Mỹ. Năm ngoái, ông từng đối mặt với một loạt các chỉ trích từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sau khi lên tiếng bảo vệ Nga trước những tuyên bố rằng cho rằng quốc gia này đã can thiệp trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016./.