Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump chiều 15/7 theo giờ địa phương đã rời Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) để lên đường tới thủ đô Helsinki của Phần Lan, khép lại chuyến thăm đầu tiên của ông tới Anh trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng.
Đây là một chuyến thăm gây nhiều tranh cãi liên quan đến những tuyên bố của ông Trump về việc Anh rời Liên minh châu Âu EU hay còn được gọi là Brexit, việc nước Anh phải tiêu tốn nhiều triệu bảng để đảm bảo an ninh cho chuyến thăm trong bối cảnh một loạt cuộc biểu tình chống Tổng thống Mỹ đã diễn ra tại nhiều nơi trên khắp nước Anh, từ thủ đô London đến các thành phố Manchester, Turnberry, Glasgow và Edinburgh.
Ngày 16/7 tại Helsinki, Tổng thống Trump sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Trước khi lên đường thực hiện chuyến công du đến châu Âu hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận xét rằng cuộc gặp với Tổng thống Putin có lẽ “dễ dàng” hơn so với các cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh NATO cũng như chuyến thăm và làm việc tại Anh.
Trong hai ngày làm việc chính (12-13/7) của chuyến thăm Anh 4 ngày, Tổng thống Trump đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Anh Theresa May ở Chequers, dinh thự của Thủ tướng May ở Buckinghamshire, và diện kiến Nữ hoàng Anh ở lâu đài Windsor.
[Ông Trump "xúi" Thủ tướng Anh kiện EU về vấn đề Brexit]
Ông Trump đã dành hai ngày cuối trong lịch trình chuyến thăm tại các sân golf do ông sở hữu ở Turnberry, Scotland, trong khi các cuộc biểu tình phản đối chính sách của ông Trump cũng “theo chân” lên tận Scotland.
Ngày 14/7, đám đông biểu tình đã tụ tập ở Turnberry phản đối ông Trump với các biểu ngữ cáo buộc ông là người phân biệt chủng tộc.
Thậm chí những người biểu tình đã leo lên một ngọn đồi để đảm bảo Tổng thống có thể nhìn thấy họ khi chơi gôn.
Trong khi đó, hơn 9.000 người tuần hành tại thủ phủ Edinburgh của xứ Scotland để biểu tình chống ông Trump trong hai ngày 13-14/7.
Mặc dù được đánh giá là chuyến thăm “gây tranh cãi nhất” của một Tổng thống Mỹ từng đến thăm Anh, nhưng ít nhiều ông Donald Trump cũng đã giúp Thủ tướng nước chủ nhà Theresa May có được cam kết của ông về việc củng cố mối quan hệ đặc biệt và triển vọng về một thoả thuận thương mại song phương thời hậu Brexit.
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng May ngày 13/7, Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ ủng hộ bất kỳ đường hướng nào mà Thủ tướng Anh lựa chọn cho quan hệ tương lai giữa Anh và EU, đồng thời khẳng định một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ sau Brexit là “hoàn toàn có thể.”
Điều này hoàn toàn trái với những gì ông đã nói khi trả lời phỏng vấn tờ The Sun, được đăng tối 12/7, rằng kế hoạch Brexit mà Nội các Anh thông qua cuối tuần trước sẽ “giết chết” một thỏa thuận thương mại giữa London và Washington.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà và Tổng thống Mỹ đã thảo luận về một thỏa thuận thương mại tham vọng giữa hai nước sau Brexit.
Ngày 15/7, trả lời phỏng vấn đài BBC, Thủ tướng May tiết lộ rằng Tổng thống Trump từng khuyên bà “kiện” EU thay vì tiếp tục đàm phán, để đạt được một thỏa thuận Brexit tốt hơn./.