Ngày 23/7, phát biểu với giới truyền thông tại Tòa thị chính Jakarta, ứng cử viên Joko Widodo - giành thắng lợi trước đối thủ Prabowo Subianto trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 9/7 mới đây cho biết ông đã thành lập một văn phòng tạm thời tại đây để cùng với ứng cử viên liên danh phó tổng thống Yusuf Kalla và các cố vấn của mình vạch ra những ưu tiên và thảo luận về nhân sự cho chính phủ mới sẽ được ra mắt vào ngày 20/10 tới .
Ông Joko nhấn mạnh việc chuẩn bị nhân sự là hết sức cần thiết để chính phủ mới có thể bắt tay ngay vào làm việc một cách suôn sẻ và hiệu quả. Tuy nhiên, ông không cho biết chi tiết về những khả năng có thể của nội các mới.
Trước đó, cựu tổng thống Indonesia Yusuf Kalla đã nói rằng tuy chưa trao đổi cụ thể về vấn đề nội các tương lai với ông Joko, song ông cho rằng nội các mới cần bao gồm những nhà chuyên môn trong sạch, có trình độ và với số lượng nhiều hơn 15 nguời của chính phủ dưới sự điều hành của Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono.
Ông cho biết đã có một số thành viên cấp cao của liên minh “Đỏ-Trắng” của ứng viên đối thủ thất cử Prabowo tiếp cận với liên minh thắng cử, song từ chối cho biết thêm.
Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Gamawan Fauzi thông báo kể từ ngày 23/7 ông Joko sẽ trở lại nhiệm sở với chức vụ Thống đốc Jakarta của mình sau thời gian được nghỉ phép vì việc riêng . Tuy nhiên, ông Joko sẽ phải xin từ chức và đuợc Quốc hội phê chuẩn trước khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào tháng 10 tới, và trao quyền hiện hành cho Phó Thống đốc.
Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Pháp lý và Nhân quyền Indonesia Amir Syamsudin, một thành viên Ban lãnh đạo Đảng Dân chủ (DP) cầm quyền do Tổng thống Susilo Bambang Yudhpoyono làm Chủ tịch khẳng định rằng DP sẽ là nhân tố cân bằng trong Quốc hội, có thể xem xét tham gia cùng với liên minh 5 đảng của ông Joko Widodo do đảng Dân chủ Indonesia-đấu tranh (PDI-P) đứng đầu nếu được đề nghị, và một số thành viên lãnh đạo DP đã bày tỏ sự quan tâm tham gia với liên minh chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Chủ tịch DP Yudhoyono.
Ông Amir Syamsudin cho biết thêm rằng khả năng đảo ngược tình thế của ứng viên tổng thống thất cử Prabowo Subianto tại Tòa án Hiến Pháp khi đệ đơn kiện là rất nhỏ, nếu không nói là không thể, bởi sự chênh lệch tới 8 triệu phiếu bầu cử tri là một con số quá lớn so với những vi phạm (nếu có) đã xảy ra trong quá trình bỏ phiếu.
Hơn nữa, việc bên thua kiện lên Tòa án Hiến pháp cũng từng xảy ra trong hai cuộc bầu cử dân chủ lần trước năm 2004 và 2009, song cùng có một kết quả chung cuộc là thất bại./.