Ứng cử viên cánh hữu thuộc đảng Xã hội Tự do (PSL) Jair Bolsanaro đã chính thức đắc cử Tổng thống Brazil sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai diễn ra ngày 28/10.
Theo kết quả do Ủy ban Bầu cử quốc gia Brazil công bố, ông Jair Bolsanaro nhận được 55,13% số phiếu ủng hộ, vượt qua ứng cử viên đảng Lao động (PT) Fernando Haddad giành 44,87% số phiếu ủng hộ.
Với kết quả này, ông Bolsanaro sẽ chính thức kế nhiệm Tổng thống Michel Temer trong nhiệm kỳ 4 năm kể từ ngày 1/1/2019 tới.
Đây là lần đầu tiên một đảng cực hữu giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử tổng thống tại Brazil kể từ khi chế độ dân chủ được khôi phục tại quốc gia Nam Mỹ này hồi giữa những năm 1980 của thế kỷ trước.
Kết quả này không phải là một bất ngờ khi các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử luôn cho thấy ông Bolsanaro có lợi thế hơn so với ứng cử viên Haddad từ 8 đến 10 điểm phần trăm. Tuy nhiên, điều này cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong cách nhìn của cử tri đối với các chính đảng truyền thống, trong bối cảnh đất nước Brazil đang phải trải qua một giai đoạn đầy biến động với những vụ bê bối dính líu tới nhiều chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn, những mâu thuẫn căng thẳng giữa các đảng phái, nền kinh tế rơi vào thời kỳ suy thoái dài nhất trong lịch sử và tình hình bạo lực vẫn gia tăng.
Tổng thống đắc cử Brazil, 63 tuổi, từng là một đại úy quân đội nhưng sau đó chuyển sang hoạt động chính trị và là một nghị sỹ trong suốt 30 năm qua trước khi chính thức đại diện cho đảng PSL ra tranh cử tổng thống Brazil.
Mặc dù vậy, ông Bolsonaro chỉ bắt đầu thực sự nổi lên trên chính trường Brazil từ đầu năm 2017 khi thể hiện một quan điểm khác biệt so các đảng truyền thống, từ việc bảo vệ những giá trị gia đình truyền thống, phản đối hôn nhân đồng giới, cam kết về một “bàn tay sắt” để xử lý vấn đề tham nhũng và tình trạng tội phạm có tổ chức ngày một gia tăng, cho tới cải thiện bức tranh kinh tế ảm đạm trong những năm qua tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo nhận định của giới phân tích, cho dù có những tuyên bố bị dư luận cho là mang tính cực đoan trong một số vấn đề, nhưng trên thực tế quan điểm chính trị của ông Bolsonaro mang đậm chất chủ nghĩa dân tộc, ưu tiên những vấn đề mang tính lợi ích của Brazil.
Tổng thống đắc cử cũng cam kết sẽ thực hiện một phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, đôi lúc có thể là độc đoán, để giải quyết triệt để các vấn nạn mà quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này đang phải đối mặt trong những năm qua.
[Các nước châu Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Brazil Bolsonaro]
Dư luận cũng thường xuyên so sánh phong cách của Tổng thống đắc cử Brazil với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông này lên nắm quyền tại Mỹ, không chỉ bởi một số tương đồng trong những phát biểu mạnh mẽ ngả theo hướng dân tộc chủ nghĩa, mà còn vì ông Bolsanaro cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để gửi đi những thông điệp của mình, cũng như những chỉ trích trực diện nhằm vào các đối thủ chính trị.
Với khẩu hiệu “Brazil trên hết, Đức Chúa trên hết,” ông Bolsanaro cam kết sẽ đưa ra nhiều thay đổi trong trong việc triển khai chương trình kinh tế vì lợi ích của dân tộc, đưa nền kinh tế Brazil thoát khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay.
Đáng chú ý nhất là ý định tự do hóa nền kinh tế, tư hữu hóa tất cả các doanh nghiệp nhà nước, kể cả tập đoàn dầu khí khổng lồ Petrobras.
Tổng thống đắc cử Brazil cũng khẳng định sẽ từng bước triển khai những chính sách mới để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tái khởi động việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Bolsanaro còn tuyên bố sẽ giảm các khoản chi tiêu công, điều chỉnh lại mô hình hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.
Ở một khía cạnh khác, ông Bolsanaro cho rằng tình trạng bạo lực tràn lan trong xã hội cũng là một yếu tố tác động lớn tới hình ảnh đất nước, khiến không chỉ người dân trong nước lo lắng mà các nhà đầu tư nước ngoài suy giảm lòng tin.
Chính vì vậy, đấu tranh không khoan nhượng với tình hình tội phạm, bạo lực cũng sẽ là một trong những ưu tiên của chính quyền mới.
Thậm chí, ông Bolsanaro còn dự định sẽ thúc đẩy việc cho phép bán vũ khí cho dân thường để đối phó với tội phạm.
Tuy nhiên, theo bình luận của chuyên gia phân tích chính trị Carlos Pereira thuộc trung tâm nghiên cứu Fundacion Getulio Vargas ở Rio de Janeiro, để thực hiện những mục tiêu đề ra trong suốt quá trình tranh cử không hề đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang bị phân rẽ mạnh mẽ.
Ngay tại Quốc hội, đảng PSL của ông Bolsario cũng sẽ phải có chiến lược liên kết và nhượng bộ trong từng giai đoạn với một số chính đảng khác trong tổng số gần 30 đảng phái để có thể nhận được sự ủng hộ đối với các dự luật được đưa ra thảo luận tại cơ quan lập pháp.
Với việc ông Bolsanaro đắc cử, đất nước Brazil sẽ bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới trong lịch sử phát triển với vô vàn thách thức. Nhân dân Brazil là những người đã quyết định “sự thay đổi” trong cuộc bầu cử lần này với mong muốn tốt đẹp hơn cho đất nước, nhưng thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất cho sự lựa chọn này./.