Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ngày 23/11, Tổng thống đắc cử Argentina Mauricio Macri cho biết sẽ thăm Brazil trước khi nhậm chức vào ngày 10/12 tới. Đây sẽ là điểm đến đầu tiên của ông Macri ngay sau khi giành thắng lợi vào ngày 22/11 trong cuộc bầu cử vòng hai với số phiếu ủng hộ 51,4%.
Theo thông cáo của Phủ Tổng thống Brazil, Tổng thống Dilma Rousseff đã điện đàm với ông Macri trong gần 10 phút để chúc mừng thắng lợi.
Ông Macri đã trao đổi về việc chọn Brazil làm điểm đến đầu tiên ngay trước khi nhậm chức, đồng thời khẳng định muốn thiết lập quan hệ “năng động” với Brazil, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và làm “sống lại” hoạt động của khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà hai quốc gia là thành viên cùng với Paraguay, Uruguay và Venezuela.
Cùng ngày, ông Macri tuyên bố sẽ đề xuất với Quốc hội nước này việc bãi bỏ thỏa thuận đã ký với Iran hồi năm 2013 dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Cristina Fernandez liên quan tới việc điều tra vụ khủng bố nhằm vào trụ sở Hiệp hội Do thái (AMIA) ở thủ đô Buenos Aires làm 85 người thiệt mạng hồi năm 1994.
Phát biểu trong buổi họp báo đầu tiên sau khi đắc cử, ông Macri cho rằng thỏa thuận trên không có lợi để gắn kết người dân Argentina.
Cộng đồng người Do Thái sinh sống ở Argentina có khoảng 300.000 thành viên, nhiều nhất ở Mỹ Latinh. Lãnh đạo của cộng đồng này đã phản đối gay gắt thỏa thuận mà Tổng thống Fernandez ký với Iran vì cho rằng văn bản này tìm cách che chở cho những quan chức của Iran bị cáo buộc là thủ phạm của vụ khủng bố.
Đây là vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử Argentina mà cộng đồng Do Thái ở nước này cho là do Chính phủ Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah tổ chức và thực hiện.
Cũng trong thời gian trên, ông Macri khẳng định Chính phủ của ông tới đây sẽ tập trung giải quyết vấn đề kinh tế đất nước và nhấn mạnh sẽ bỏ qua sự chia rẽ chính trị trong xã hội Argentina.
Phát biểu tại buổi họp báo đầu tiên sau khi đắc cử, ông Macri, thuộc liên minh "Thay đổi trung hữu", tuyên bố những gì đã diễn ra trong cuộc tổng tuyển cử tại Argentina cho thấy người dân đòi hỏi một sự “thay đổi sâu sắc.”
Ông cho biết để giải quyết những khó khăn trong lĩnh vực kinh tế, ông sẽ huy động sự tham gia của 6 bộ trưởng gồm các bộ Lao động, Kinh tế-Tài chính, Nông nghiệp, Sản xuất, Năng lượng và Giao thông.
Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Macri cho biết sẽ phải xem xét lại các khoản chi tiêu công bởi ông không tin tưởng vào hệ thống báo cáo và thống kê hiện tại, đồng thời khẳng định sẽ bãi bỏ cơ chế trần tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ và đồng USD được áp dụng nhiều năm nay ở nước này vốn gây ra nhiều bất cập cho nền kinh tế./.