Ngày 20/4, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva bắt đầu chuyến công du 2 nước châu Âu Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Lula tới châu Âu kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm nay.
Thư ký các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Brazil, bà Maria Luisa Escorel de Moraes cho biết trong chuyến công du này, Tổng thống Lula sẽ tìm cách "khởi động lại các mối quan hệ của Brazil với châu Âu."
Theo Bộ Ngoại giao Brazil, Tổng thống Lula đang thúc đẩy thành lập một nhóm các nước làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, do đó chủ đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự chuyến công du lần này.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Brazil nêu rõ tại Bồ Đào Nha, Tổng thống Lula sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Marcelo Rebelo de Sousa, sau đó cùng Thủ tướng António Costa tham dự các cuộc họp cấp cao, diễn đàn doanh nghiệp và nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật khác.
Tại Tây Ban Nha, Tổng thống Lula sẽ có các cuộc gặp với Vua Felipe VI và Thủ tướng Pedro Sánchez.
Kể từ khi trở lại nắm quyền điều hành đất nước thay người tiền nhiệm Jair Bolsonaro, Tổng thống Lula tuyên bố sẽ thúc đẩy hội nhập quốc tế và khôi phục vai trò trung gian hòa giải của Brazil.
[Brazil gợi ý về "G20 chính trị" làm trung gian giữa Nga và Ukraine]
Ông cam kết thúc đẩy quan hệ hữu nghị với tất cả các nước và cân bằng trong quan hệ với Mỹ và châu Âu cũng như với Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, Tổng thống Lula mong muốn hoàn tất đàm phán thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur bao gồm các nước Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, vốn bị đình trệ do những lo ngại của châu Âu về vấn đề môi trường, đặc biệt là việc phá rừng nhiệt đới Amazon phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Brazil.
Tuần trước, Tổng thống Lula đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đây là lần thứ 3 Tổng thống Lula thăm chính thức Trung Quốc, sau hai chuyến thăm vào các năm 2004 và 2009 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của nhà lãnh đạo này.
Trước đó, trong chuyến thăm UAE và Trung Quốc, Tổng thống Lula cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc thành lập một nhóm các quốc gia làm trung gian hòa giải, theo kiểu nhóm G20.
Ông nhấn mạnh G20 được thành lập để giải cứu nền kinh tế (thế giới) đang gặp khủng hoảng.
Ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng là tạo ra một G20 kiểu khác để chấm dứt cuộc chiến này và thiết lập hòa bình.
Không giống như các cường quốc phương Tây, cả Trung Quốc và Brazil đều không áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. UAE đã duy trì lập trường trung lập đối với cuộc xung đột này./.