Ngày 24/3, Tổng thống Brazil Dilma Rouseff đã lên án phe đối lập áp dụng “các biện pháp phátxít” âm mưu hạ bệ bà và cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay của nước này sẽ để lại một “vết sẹo” nếu không được giải quyết một cách dân chủ.
Trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông lớn của nước ngoài sau khi Văn phòng Liên hợp quốc về quyền của phụ nữ ở Brazil lên tiếng chỉ trích "bạo lực chính trị phân biệt giới tính" trong chiến dịch lật đổ bà Rouseff, nữ tổng thống đầu tiên của Brazil tố cáo với báo giới việc bà bị ép phải từ bỏ quyền lực vì các đối thủ muốn tránh khỏi những khó khăn, những việc không chính đáng, bất hợp pháp và phạm tội trong việc phế truất một tổng thống được bầu hợp pháp.
Bà Rousseff khẳng định bất kỳ nỗ lực nào nhằm phế truất bà mà không có cơ sở pháp lý đều là đảo chính, đồng thời nhấn mạnh: “Tôi không so sánh cuộc đảo chính ở đây với những cuộc đảo chính quân sự trong quá khứ, nhưng nó đủ để bẻ gẫy trật tự dân chủ của Brazil,” và bất bỳ động thái nào như vậy sẽ để lại một vết sẹo sâu trong đời sống chính trị của nước Nam Mỹ này.
Bà Rousseff còn lên án phe đối lập đứng đằng sau các hoạt động chống lại những thay đổi xã hội tại Brazil trong suốt 13 năm phe cánh tả cầm quyền.
Hiện nay, phe đối lập đang gây áp lực đòi đưa Tổng thống Rousseff ra xét xử tại một phiên tòa chính trị nhằm bãi nhiệm bà này trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2018. Tuy nhiên, cho tới nay Tòa án Tối cao bãi bỏ tạm thời việc xét xử bà Rousseff vì lý do thủ tục không đúng quy trình.
Thể hiện quan điểm của mình với báo The Guardian, nhà lãnh đạo Brazil đã chỉ trích gay gắt việc thẩm phán Sérgio Moro cho phép ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà và cựu Tổng thống Lula da Silva, đồng thời tố cáo những hành động vi phạm quyền riêng tư đó phá vỡ nền dân chủ, vi phạm các quyền công dân và đời sống cá nhân.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil trở nền trầm trọng từ năm ngoái do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn Petrobras, khiến khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sỹ, thượng nghị sỹ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.
Vụ việc này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh đảng PT cầm quyền, cựu Tổng thống Lula da Silva - người sáng lập PT, và uy tín của Tổng thống Rousseff./.