Theo hãng AP, trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cố gắng tái khẳng định và điều chỉnh các mối quan hệ của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng ở một khu vực đang đặt ra những nghi ngại mới về tương lai ảnh hưởng của Mỹ.
Tối 12/7 (giờ Washington), Tổng thống Biden đã rời Mỹ, bắt đầu chuyến công du Trung Đông với chặng dừng chân đầu tiên là Israel - nơi chính trường hỗn loạn khiến một chính phủ lâm thời được lập ra để điều hành cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức vào cuối năm nay, do đó hạn chế cơ hội đạt được thỏa thuận lâu dài, bền vững.
Tổng thống Biden cũng khó có thể gặp may mắn hơn ở Bờ Tây, nơi ông sẽ có các cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo Palestine vốn đang ngày càng không được lòng người dân.
Chương trình nghị sự sau đó của chuyến công du sẽ chỉ càng khó khăn hơn. Điểm dừng chân tiếp theo của ông Biden sẽ là Saudi Arabia, một chế độ chuyên quyền với di sản là tình trạng vi phạm nhân quyền nhưng lại có trữ lượng dầu thô khổng lồ.
Tổng thống Mỹ muốn quốc gia Arab Vùng vịnh này bơm thêm dầu ra thị trường thế giới để hạ nhiệt giá khí đốt đang tăng cao, một phần do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bên cạnh đó, phủ bóng lên chuyến công của Tổng thống Biden là nỗ lực gần như thất bại của chính quyền của ông nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran mà cựu Tổng thống Barack Obama từng hồi năm 2015 và bị Donald Trump hủy bỏ vào năm 2018.
Các cuộc đàm phán tại Vienna đã bị đình trệ từ tháng trước và Iran được cho là đã tiến gần hơn bao giờ hết khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Việc không đạt được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này có thể làm tăng nguy cơ xung đột trong một khu vực vốn rất dễ bùng nổ chiến tranh.
Aaron David Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, nhận định: “Ông ấy (Biden) sẽ phải đối mặt với một khu vực từ lâu đã tồn tại nhiều vấn đề trong khi có rất ít giải pháp.”
Biden đang phải tập trung hơn vào châu Âu, nơi đang diễn ra cuộc xung đột vũ trang tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, và cả châu Á, nơi ông đang cố gắng định hướng lại chính sách đối ngoại của Mỹ để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ cần tiếp tục “tham gia sâu rộng” vào Trung Đông vì khu vực này “kết nối sâu sắc với phần còn lại của thế giới.” Ông nói: “Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ để tạo ra một khu vực hòa bình và ổn định, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho lợi ích quốc gia của Mỹ và người dân Mỹ trong nhiều năm tới.”
[Kỳ vọng gì về chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Trung Đông?]
Ngoài các cuộc gặp với các chính trị gia Israel và Palestine, Biden còn dự kiến sẽ đến thăm một cơ sở lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel và Khu tưởng niệm Yad Vashem ở Jerusalem – một bảo tàng chứng tích về tội ác dã man của Đức quốc xã đối với dân tộc Do Thái.
Dự kiến, ông cũng sẽ dự buổi lễ đón nhận Huân chương Danh dự của Tổng thống Israel và gặp gỡ các vận động viên Mỹ đang thi đấu tại Đại hội thể thao Maccabiah, sự kiện có sự tham gia của hàng nghìn vận động viên Do Thái và Israel từ khắp nơi trên thế giới.
Theo các quan chức cấp cao của Israel, Mỹ và Israel có kế hoạch đưa ra một tuyên bố chung - Tuyên bố Jerusalem - trong ngày 14/7, nhằm đặt lộ trình cho mối quan hệ giữa hai nước trong những năm tới. Một quan chức giấu tên cho biết Tuyên bố chung sẽ bao gồm lập trường cứng rắn đối với chương trình hạt nhân của Iran, cam kết sử dụng “mọi yếu tố sức mạnh quốc gia của hai nước để chống lại mối đe dọa hạt nhân Iran."
Chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Biden là Saudi Arabia, nơi ông sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Cố vấn an ninh Sullivan cho biết tổng thống sẽ đưa ra một “tuyên bố quan trọng” về tầm nhìn của ông đối với khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, sự kiện được theo dõi chặt chẽ nhất sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Biden với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, người kế vị ngai vàng của Quốc vương Salman. Tổng thống Biden đã từng chỉ trích mạnh mẽ Saudi Arabia, thậm chí còn tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2020 rằng vương quốc này nên được coi là quốc gia “đáng bị ruồng bỏ trong cộng đồng quốc tế” vì những hành vi vi phạm nhân quyền.
Chính quyền ông Biden đã công bố một báo cáo tình báo được giải mật cho biết Thái tử Saudi Arabia, còn được gọi là MBS, có khả năng đã phê chuẩn vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018.
Tuy nhiên, tình hình và các chính sách năng lượng thay đổi đã khiến Biden phải chuyển hướng, đặc biệt khi các tài xế Mỹ phải đối mặt với giá xăng tăng chóng mặt. Giá xăng dầu trên thế giới tăng đột biến cũng có thể khiến Biden khó thuyết phục các đồng minh của Mỹ tiếp tục gây sức ép với Nga thông qua các lệnh trừng phạt khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Kể cả nếu chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Saudi Arabia diễn ra suôn sẻ, ít khả năng có sự cứu trợ ngay lập tức vì các mục tiêu sản xuất dầu được điều chỉnh bởi một thỏa thuận giữa các thành viên của OPEC+, một tập đoàn các quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới bao gồm Saudi Arabia và Nga.
Và trong khi thỏa thuận hiện tại sẽ hết hạn vào tháng 9 tới, những lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể khiến các quốc gia sản xuất dầu mỏ này cảnh giác về việc bơm thêm dầu ra thị trường.
Tổng thống Biden chỉ đề cập đến việc hợp tác với Saudi Arabia nhằm “giúp ổn định thị trường dầu mỏ” khi ông bảo vệ kế hoạch thăm vương quốc này trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post, tờ báo từng đăng các bài báo của Khashoggi.
Tổng thống Biden hứa sẽ tiếp tục nêu ra các vấn đề nhân quyền và cho biết ông muốn “định hướng lại chứ không phải phá vỡ” mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia.
Brian Katulis, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách của Viện Trung Đông, cho rằng sự thay đổi trong cách tiếp cận của Tổng thống Biden cho thấy ông không còn tìm cách đoạn tuyệt với chính sách của Trump như ông đã hình dung ban đầu.
Những người chỉ trích cho rằng một số tuyên bố hùng biện của ông Biden xung quanh chuyến thăm Saudi Arabia, đặc biệt là hạ thấp tầm quan trọng của cuộc gặp dự kiến với Thái tử MBS, có thể làm phức tạp các nỗ lực cài đặt lại quan hệ.
Tổng thống đã nhấn mạnh rằng mục đích chính của chuyến thăm Jeddah là để tham gia Hội nghị GCC. Một trong những yếu tố khiến Mỹ tìm kiếm một mối quan hệ hòa hợp với Saudi Arabia là Washington ngày càng lo ngại Saudi Arabia có thể xích lại gần Trung Quốc và Nga trong bối cảnh hai nước này căng thẳng với Mỹ.
Một trở ngại đáng kể khác là việc thiếu một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Vòng đàm phán cuối cùng ở Doha, Qatar đã kết thúc không thành công. Saudi Arabia, cũng như Israel, đã thất vọng vì Nhà Trắng không từ bỏ nỗ lực khôi phục thỏa thuận với Tehran.
Richard Goldberg, cố vấn cấp cao tại Quỹ Quốc phòng của Đảng Dân chủ, cựu cố vấn cấp cao về Iran thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Trump, nói: “Chúng tôi muốn Saudi Arabia cảm thấy rằng Mỹ cam kết lâu dài đối với an ninh của họ và do đó, Riyadh cũng cam kết với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.”
Mối đe dọa từ Iran, vốn sẽ chỉ gia tăng nếu nước này chế tạo được vũ khí hạt nhân, đã thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia Arab và Israel, điều không thể tưởng tượng được trong nhiều thập kỷ trước. Tổng thống Biden hy vọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn qua chuyến đi của ông.
Điều đáng chú ý là, ông là tổng thống Mỹ đầu tiên bay thẳng từ Israel đến Saudi Arabia. Mặc dù không ai mong đợi hai nước bình thường hóa quan hệ ngay lập tức, nhưng có thể sẽ từ từ thực hiện theo từng bước, chẳng hạn như cho phép các máy bay của Israel bay qua không phận Saudi Arabia.
Theo quan chức cấp cao của Israel, mối quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia sẽ vẫn “rất tế nhị” nhưng mọi người hy vọng chuyến công du của Tổng thống Biden tới Trung Đông sẽ đánh dấu “sự khởi đầu của quá trình bình thường hóa.”
Không rõ liệu bất kỳ thay đổi nào trong số này cuối cùng có thể dẫn đến giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và người Palestine, những người đang sống dưới sự chiếm đóng của quân đội Israel hay không. Các cuộc đàm phán hòa bình đang rất ảm đạm và không có nhiều cơ hội để hồi sinh chúng vào thời điểm hiện tại.
Yair Lapid, Thủ tướng lâm thời của Israel, lãnh đạo một đảng chính trị trung hữu có mối liên hệ với Tổng thống Biden hơn các nhà lãnh đạo bảo thủ gần đây của nước này.
Tuy nhiên, các cuộc bầu cử mới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới và cử tri Israel có thể quyết định đưa Benjamin Netanyahu trở lại. Ông là nhà lãnh đạo cánh hữu từng xung đột với Biden trong quá khứ. Một chuyến thăm nồng nhiệt từ Biden có thể tăng cơ hội cho Lapid, nhưng bất kỳ biểu hiện ủng hộ công khai nào dành cho ông đều có thể phản tác dụng.
Martin Indyk, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, người từng là đặc phái viên của Obama về các cuộc đàm phán Israel-Palestine, cho biết đây “không phải là thời điểm để cố gắng khởi động lại tiến trình hòa bình."
Tuy nhiên, Indyk nói thêm, điều quan trọng là Tổng thống Biden phải lên tiếng ủng hộ giải pháp hai nhà nước. “Nếu bạn phớt lờ vấn đề Palestine, nó sẽ quay lại cắn bạn. Và cuối cùng nó sẽ phát nổ. Và điều đó không có lợi cho bất cứ ai”./.