Tổng thống Ba Lan tìm hướng giải quyết khủng hoảng chính trị

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã chủ trì các cuộc đàm phán hòa giải nhằm tháo gỡ khủng hoảng chính trị tại nước này trong bối cảnh các cuộc biểu tình quy mô lớn tiếp tục diễn ra.
Tổng thống Ba Lan tìm hướng giải quyết khủng hoảng chính trị ảnh 1Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 18/12, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã chủ trì các cuộc đàm phán hòa giải nhằm tháo gỡ khủng hoảng chính trị tại nước này trong bối cảnh các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính phủ bước sang ngày thứ ba liên tiếp.

Từ ngày 16/12, hàng nghìn người biểu tình đã đổ ra đường phố ở thủ đô Warsaw và các nơi khác trên cả nước để phản đối những chính sách được cho là "phản dân chủ" của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cánh hữu cầm quyền.

Trong đêm 16/12, hàng chục nghị sỹ đối lập đã chiếm giữ phòng họp chính của Quốc hội Ba Lan để thể hiện sự phẫn nộ đối với PiS về vấn đề ngân sách và kế hoạch áp dụng các biện pháp hạn chế mới đối với truyền thông.

Trong khi đó, các lối vào tòa nhà quốc hội cũng bị người biểu tình phong tỏa.

Thủ tướng Beata Szydlo và thủ lĩnh PiS Jaroslaw Kaczynski chỉ có thể rời khỏi tòa nhà quốc hội nhờ có sự hộ tống của cảnh sát.

Sau cuộc gặp ngày 18/12 với Tổng thống Duda, các lãnh đạo đối lập cho biết họ đã yêu cầu bãi bỏ áp dụng các hạn chế đối với truyền thông và yêu cầu bỏ phiếu lại tại Quốc hội đối với kế hoạch ngân sách năm 2017.

Theo phe đối lập, kế hoạch chi tiêu năm 2017 đã được thông qua một cách trái phép khi cuộc bỏ phiếu được tiến hành tại một khu vực khác của tòa nhà quốc hội trong khi phòng họp chính đã bị các nghị sỹ đối lập chiếm giữ.

Dự kiến, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tiếp tục có cuộc gặp tương tự với lãnh đạo PiS Jaroslaw Kaczynski và Marek Kuchcinski, Chủ tịch Hạ viện để tìm cách khôi phục khả năng hoạt động của Quốc hội nước này.

Từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 10/2015, đảng PiS đã liên tục vấp phải sự phản đối xoay quanh một loạt các chính sách gây tranh cãi như thắt chặt luật nạo phá thai và cải cách tòa án hiến pháp.

Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Chính phủ Ba Lan bãi bỏ những thay đổi về quy trình hoạt động của tòa án hiến pháp nước này nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Bất đồng chính trị mới nhất tại Ba Lan xuất phát từ việc đảng cầm quyền PiS đề xuất giới hạn mỗi cơ quan báo chí truyền thông chỉ được cử tối đa 2 phóng viên vào đưa tin các phiên họp của Quốc hội đồng thời cũng cấm họ chụp ảnh và quay phim.

Theo phe đối lập và giới truyền thông, lệnh cấm mới này sẽ cản trở báo chí ghi lại hình ảnh các nghị sỹ vi phạm quy định hoạt động, ví dụ như việc bỏ phiếu thay cho một đồng nghiệp vắng mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục