Ngày 2/1, Tổng thống Argentina Mauricio Macri tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này cần kiềm chế tăng nợ nước ngoài, đồng thời kêu gọi các chính quyền địa phương chi tiêu tiết kiệm.
Phát biểu tại lễ khánh thành một trung tâm phong điện tại thành phố Rawson, tỉnh Chubut, cách thủ đô Buenos Aires 1.100km về phía Nam, Tổng thống Macri nhấn mạnh cần thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và không để vấn đề nợ nước ngoài trở thành gánh nặng cho thế hệ tương lai.
Thống kê cho thấy nợ nước ngoài của nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh này hiện đã lên tới 300 tỷ USD, tăng hơn 30% so với trước khi ông Macri nhậm chức hồi tháng 12/2015. Mức tăng nợ nước ngoài của Argentina hiện nay vào khoảng 100 triệu USD/tháng.
Nợ của Argentina tăng đáng kể dưới thời Tổng thống Macri do chính phủ chấp nhận tái cơ cấu nợ với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Argentina đã phát hành hàng chục tỷ trái phiếu để có tiền thanh toán với các chủ nợ, khiến nợ nước ngoài tăng vọt.
[Biểu tình biến thành bạo động phản đối cải cách hưu trí tại Argentina]
Hiện Argentina là quốc gia đang phát triển có số nợ lớn nhất thế giới trong hơn 20 năm trở lại đây. Phe đối lập đã chỉ trích gay gắt việc làm này của Chính phủ Tổng thống Macri.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Macri cũng bảo vệ những chính sách cải cách thuế và an sinh xã hội vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng trước, cho rằng điều này cần thiết nhằm kiềm chế gia tăng nợ nước ngoài.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Luis Caputo mới đây khẳng định tình trạng nợ nước ngoài của Argentina chỉ mang tính tạm thời. Theo ông Caputo, nợ nước ngoài của nước này sẽ tăng từ 28,5% lên 37% mức tương đương Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vòng hai năm tới và sẽ ổn định vào năm 2020 để bắt đầu giảm vào năm 2021.
Năm 2001, Argentina từng bị vỡ nợ sau khi quốc gia này liên tục vay nước ngoài từ mức tương đương 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 1995 lên gần 65% GDP năm 2001. Trong khi đó, ngưỡng nợ an toàn đối với các nước đang phát triển theo Ngân hàng Thế giới (WB) là nợ nước ngoài phải dưới mức 40% GDP.
Việc vay nợ ồ ạt, có phần bừa bãi khi đó dẫn đến hậu quả tai hại khiến Argentina không còn khả năng đối phó trước những rủi ro trong thâm hụt ngân sách, khi nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu giảm sút và nhập khẩu không ngừng tăng./.