Tổng thống Argentina nguy cơ bị điều tra sau "Hồ sơ Panama"

Tổng thống Argentina có nguy cơ bị điều tra sau vụ "Hồ sơ Panama"

Nghị sỹ đảng đối lập đã đề nghị mở cuộc điều tra đối với Tổng thống Mauricio Macri về việc ông này có biết hoặc tham gia hành vi trốn thuế và rửa tiền trong "Hồ sơ Panama."
Tổng thống Argentina có nguy cơ bị điều tra sau vụ "Hồ sơ Panama" ảnh 1Tổng thống Argentina Mauricio Macri bị tình nghi có liên quan tới hoạt động trốn thuế bị tiết lộ trong Hồ sơ Panama. (Nguồn: THX/TTXVN)

Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" liên quan đến hành vi trốn thuế và rửa tiền của loạt nhân vật quan trọng thông qua công ty Mossack Fonseca ở Panama đã buộc nhiều nước rà soát lại hệ thống luật pháp nhằm ngăn chặn hành vi phi pháp này.

Ngày 7/4, nghị sỹ thuộc đảng đối lập tại Argentina, Norman Martinez, đã đề nghị thẩm phán liên bang mở cuộc điều tra đối với Tổng thống đương nhiệm Mauricio Macri nhằm làm rõ liệu nhà lãnh đạo này có biết, hoặc tham gia hay yêu cầu thực hiện hành vi nhằm trốn thuế và rửa tiền hay không.

Nghị sỹ Martinez đồng thời yêu cầu tiến hành điều tra đối với Nestor Grindetti, một chính trị gia thân cận của Tổng thống Macri và là thị trưởng thành phố Buenos Aires.

Trước đó, trong nỗ lực ngăn cản mọi động thái pháp lý nhằm vào Tổng thống Macri, Hạ viện Argentina đã bỏ phiếu phủ quyết một dự luật yêu cầu ông Macri điều trần trước Quốc hội để làm rõ việc ông có liên quan đến công ty Fleg Trading, có trụ sở tại Bahamas và công ty Kagemusha tại Panama.

Cả hai công ty này đều bị cho là công ty ma, tham gia trốn thuế và rửa tiền. Tổng thống Macri đã bác bỏ cáo buộc trên.

Bên cạnh đó, Tổng thống Macri vẫn đối mặt với cuộc điều tra khác của một ủy ban quốc hội nhằm làm rõ những điều bất thường trong hoạt động tài chính của nhà lãnh đạo này.

Vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi càng có nhiều nhân vật nổi tiếng bị phát hiện có liên quan.

Bà Pilar de Borbon, bác ruột của Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI, cùng ngày đã bác bỏ cáo buộc tham gia trốn thuế và khẳng định mọi hoạt động kinh doanh của bà đều nằm trong khuôn khổ pháp luật nước này.

Trong một tuyên bố gửi cho hãng thông tấn Europa Press, bà Pilar de Borbon, thừa nhận đứng đầu một công ty ở nước ngoài có trong “Hồ sơ Panama”, song công ty này đều tuân thu các quy định về thuế của Tây Ban Nha.

Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu trang tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế.

Số tài liệu này, còn gọi là "Hồ sơ Panama", ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975).

Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục