Tổng thống Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay nhau tại Qatar

Cả hai bên đều chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về cuộc gặp này, tuy nhiên một bức ảnh được Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công bố cho thấy ông Erdogan và ông El-Sisi bắt tay nhau.
Tổng thống Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay nhau tại Qatar ảnh 1Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: egyptianstreets.com)

Theo kênh truyền hình Al-Qahera News của Ai Cập, ngày 20/11, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp nhau tại thủ đô Doha của Qatar, bên lề Lễ khai mạc Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, cả hai bên đều chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về cuộc gặp này, tuy nhiên một bức ảnh được Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công bố cho thấy ông Erdogan và ông El-Sisi bắt tay nhau trước Lễ khai mạc World Cup 2022, đã nhanh chóng được lan truyền.

[Ai Cập bắt giam hàng chục nghi can làm gián điệp cho Thổ Nhĩ Kỳ]

Tổng thống Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều là khách mời của Qatar tham dự Lễ khai mạc World Cup 2022.

Cuộc gặp giữa ông El-Sisi và ông Erdogan diễn ra gần 2 tuần sau khi Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tuyên bố rằng cuộc đối thoại giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bình thường hóa quan hệ đã không đạt được tiến triển, vì các cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc xung đột Libya vẫn không thay đổi.

Cairo và Ankara đã tổ chức 2 vòng đàm phán thăm dò vào năm ngoái ở cấp thứ trưởng ngoại giao nhằm hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa hai bên.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia bắt đầu trở nên căng thẳng từ năm 2013 khi nhà lãnh đạo Ai Cập thuộc Phong trào anh em Hồi giáo, Mohamed Morsi, mà ông Erdogan ủng hộ, bị lật đổ. 

Cuộc khủng hoảng tại Libya, quốc gia láng giềng của Ai Cập, cũng đã góp phần làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ủng hộ Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) sắp mãn nhiệm do Thủ tướng Abdel-Hamid Dbeibah đứng đầu.

Tình hình nóng lên vào đầu tháng 10 sau khi chính phủ GNU có trụ sở tại Tripoli ký một loạt thỏa thuận kinh tế sơ bộ với Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm việc cho phép Ankara thăm dò năng lượng tại các vùng biển của Libya ở Địa Trung Hải.

Ai Cập khẳng định rằng nhiệm vụ của GNU đã hết hạn và không được phép ký các thỏa thuận này với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp sự chia rẽ chính trị giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước vẫn duy trì quan hệ kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu trong danh sách các quốc gia nhập khẩu hàng hóa Ai Cập, chiếm 8% tổng kim ngạch trong nửa đầu năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục