Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 1/8, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi thừa nhận nước này đang đứng trước thách thức trong việc thúc đẩy niềm tin giữa chính phủ và dân chúng, đồng thời kêu gọi người dân chấp thuận các "biện pháp kinh tế hà khắc" để vực dậy nền kinh tế đang đối mặt với một loạt khó khăn như thâm hụt ngân sách gia tăng, nợ công cao, khủng hoảng ngoại hối trầm trọng.
Phát biểu tại diễn đàn "Chương trình lãnh đạo của Tổng thống" ở thủ đô Cairo, ông El-Sisi nêu rõ: “Nhà nước sẽ không thể hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội nếu không dựa vào ý kiến của người dân. Vấn đề không chỉ là đưa ra các giải pháp cho nền kinh tế, mà còn tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân đối với các giải pháp đó."
Nhà lãnh đạo Ai Cập chỉ ra rằng các khoản trợ cấp không cần thiết là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn.
Chính phủ Ai Cập đang soạn thảo một hệ thống quy định mới, theo đó sẽ cắt giảm các chính sách trợ cấp không cần thiết.
Để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách gia tăng, nợ công cao, thiếu hụt ngoại hối nghiêm trọng, Ai Cập đang tìm kiếm khoản vay lên tới 12 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với số giải ngân 4 tỷ USD mỗi năm trong vòng ba năm.
Các cuộc đàm phán giữa chính quyền Ai Cập và đại diện IMF liên quan đến gói tín dụng ưu đãi này bắt đầu từ cuối tháng Bảy vừa qua tại thủ đô Cairo.
Trong một báo cáo ngày 1/8, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch nhận định Ai Cập cần tới 10 tỷ USD mỗi năm và khoản vay 12 tỷ USD giải ngân trong ba năm không đủ đáp ứng các nhu cầu tài chính của nước này.
Tuy vậy, Fitch cho rằng dù sao gói tín dụng của IMF cũng rất quan trọng để giúp Cairo giải quyết một loạt khó khăn của nền kinh tế.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại Mỹ, để đạt thỏa thuận cuối cùng với IMF, chính phủ Ai Cập cần đẩy mạnh các cải cách tài khóa và thúc đẩy lòng tin đối với nền kinh tế hiện đang đối mặt với nhiều thách thức.
Một loạt trụ cột kinh tế như du lịch, kênh đào Suez, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài... đã sụt giảm mạnh kể từ sau cuộc chính biến Mùa Xuân Arab năm 2011.
Trong khi tăng trưởng kinh tế đang đà chậm lại, thâm hụt ngân sách đã ở mức 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lạm phát leo lên mức hai con số./.