Tổng thống Ai Cập kêu gọi người dân tham gia bầu cử Quốc hội

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi kêu gọi tất cả người dân nước này tham gia tích cực trong các cuộc bầu cử Quốc hội bắt đầu diễn ra cuối tuần này.
Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 17/10, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi kêu gọi tất cả người dân nước này tham gia tích cực trong các cuộc bầu cử Quốc hội bắt đầu diễn ra cuối tuần này.

Tổng thống El Sisi cũng kêu gọi người dân hiểu rõ những thách thức và cảnh giác trước nguy cơ đe dọa những thành tựu mà người dân Ai Cập đạt được trong thời gian qua. Người đứng đầu chính quyền Ai Cập mong muốn thanh niên Ai Cập sẽ là lực lượng đi đầu tới các điểm bỏ phiếu vì họ là động lực chính, đồng thời kêu gọi phụ nữ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Sáng 17/10, các điểm bỏ phiếu tại 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có Đại sứ quán và lãnh sự quán của Ai Cập đã mở cửa đón tiếp cư tri là công dân nước này đến bỏ phiếu. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại các điểm bỏ phiếu đối với người Ai Cập đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài sẽ kéo dài đến 21 giờ ngày 18/10 theo thời gian ở mỗi nước sở tại.

Ai Cập hiện có gần 10 triệu công dân ở nước ngoài, nhưng chỉ có 700.000 cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu.

Người dân Ai Cập trong nước sẽ đi bỏ phiếu trong hai ngày 18-19/10 tại 14 tỉnh. Từ sáng 18/10, lực lượng an ninh được triển khai tới tất cả các điểm bỏ phiếu để đảm bảo an toàn cho cử tri. Các điều kiện cho cuộc bỏ phiếu vòng một đã hoàn tất. Tại vòng này, các ứng cử viên sẽ chạy đua để giành 286/596 ghế, gồm 226 ghế cho các ứng cử viên độc lập và 60 ghế cho ứng viên theo danh sách đảng phái.

Trong 3 ngày từ 21-23/11, vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra tại 13 tỉnh còn lại. Công dân ở nước ngoài sẽ đi bỏ phiếu trong hai ngày 21-22/11 và người dân trong nước đến các điểm bỏ phiếu từ ngày 22-23/11.

Hơn 27 triệu cử tri của Ai Cập sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội được chờ đợi này. Tham gia giám sát có 87 tổ chức phi chính phủ, Liên đoàn Arab, 60 Đại sứ quán nước ngoài tại Ai Cập và hàng chục hãng thông tấn và cơ quan báo chí quốc tế.

Bầu cử quốc hội là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi vào mùa Hè năm 2013. Cuộc bầu cử Quốc hội trước đó được ấn định vào ngày 21/3 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập phán quyết rằng các đạo luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh ngừng cuộc bầu cử quốc hội cũng như tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục