Ngày 28/10, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi thành lập cơ chế đặc biệt để bảo vệ người dân Palestine.
Trong phiên họp đặc biệt họp kéo dài một giờ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thuỵ Sĩ), Tổng thống Abbas đã hối thúc Liên hợp quốc ngay lập tức và khẩn cấp thành lập một cơ chế quốc tế đặc biệt bảo vệ người dân Palestine.
Ông Abbas kêu gọi Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như các nước thành viên gánh vác tránh nhiệm, đồng thời cảnh báo nếu tình hình hiện nay tiếp diễn sẽ chấm dứt hy vọng cuối cùng về nền hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Tại cuộc họp, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein cảnh báo làn sóng bạo lực đẫm máu trong cuộc xung đột Israel-Palestine là nguy hiểm và cực đoan, có thể dẫn tới "một thảm họa" nếu không được ngăn chặn ngay lập tức.
Cùng ngày, ông Basel Ghattas, một nhà lập pháp người Israel gốc Arab theo Cơ đốc giáo đã đến thăm đền Al-Aqsa, tại Đông Jerusalem, bất chấp lệnh cấm các nghị sỹ đến thăm khu vực hiện đang là tâm điểm của tình trạng bạo lực đẫm máu kéo dài trong nhiều tháng qua.
Trong một đoạn tin nhắn bằng video trên mạng xã hội Facebook, ông Ghattas tuyên bố chuyến thăm trên nhằm gửi một thông điệp đến Chính phủ Israel rằng "nước này không có chủ quyền đối với đền Al-Aqsa. Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ không thể ngăn được mọi người đến cầu nguyện và viếng thăm tại ngôi đền này."
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng An ninh Israel Gilad Erdan ngay sau đó đã chỉ trích chuyến thăm của ông Ghattas là một hành động khiêu khích, có thể dẫn tới gia tăng bạo lực.
Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo và là điểm thiêng liêng nhất của người Do Thái mà họ gọi là "Núi Đền", đã bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 và hiện nằm dưới sự quản lý của một hiệp hội Hồi giáo được Jordan hỗ trợ. Tuy nhiên, Israel kiểm soát lối vào ngôi đền. Theo quy định lâu nay, người Do Thái được phép đến viếng đền mà không được cầu nguyện.
Ngày 8/10 vừa qua, Thủ tướng Netanyahu đã cấm mọi chuyến thăm của các nghị sỹ và bộ trưởng Israel đến khu vực trên, sau khi bạo lực leo thang khiến 11 người Israel và 69 người Palestine thiệt mạng. Lệnh cấm này chủ yếu nhằm vào những nghị sỹ người Do Thái cực hữu, những người đã tăng cường các chuyến thăm đến khu vực trên, nguyên nhân chính làm thổi bùng làn sóng bạo lực gần đây. Tuy nhiên, lệnh cấm đã khiến các nghị sỹ gốc Arab phản đối vì cho rằng đây là động thái nhằm hạn chế người Hồi giáo tiếp cận khu vực này./.