Tổng số ca mắc COVID-19 tại Italy đã lên đến 17.660 trường hợp

Trong số 17.660 trường hợp, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 14.955 trường hợp, tăng 2.116 ca so với ngày 12/3; số ca tử vong là 1.266, tăng 250 ca.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 10/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 13/3 tuyên bố châu Âu hiện là "trung tâm" của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu và cảnh báo không thể biết khi nào dịch bệnh sẽ bùng phát.

Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus cho biết số người nhiễm bệnh và các ca tử vong được báo cáo mỗi ngày ở châu Âu hiện nay nhiều hơn tất cả phần còn lại của thế giới và châu Âu hiện đã là “trung tâm” mới của đại dịch toàn cầu COVID-19.

Ông nhấn mạnh số ca tử vong vì COVID-19 hiện đã vượt quá 5.000 người và "đây là một cột mốc bi thảm."

[Tổng thống Mỹ Trump úp mở khả năng làm xét nghiệm SARS-CoV-2]

Trong bối cảnh các quốc gia ở châu Âu và thế giới đưa ra các biện pháp mới mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch, bao gồm đóng cửa trường học và thắt chặt biên giới, Tổng Giám đốc WHO cho rằng các biện pháp này có thể hữu ích, nhưng các quốc gia cần thực hiện một cách tiếp cận toàn diện.

Theo ông, cần thực hiện đồng thời tất cả các biện pháp như kiểm tra, tìm kiếm, kiểm dịch, cách ly, không nên thực hiện từng biện pháp riêng lẻ. Các nước cần phải hành động nhiều hơn để phát hiện, bảo vệ và điều trị các trường hợp.

Tại Italy, quốc gia được coi là tâm dịch của châu Âu, tính đến 18 giờ 00 ngày 13/3 (theo giờ địa phương), Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này đã lên đến 17.660 trường hợp.

Trong số đó, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 14.955 trường hợp, tăng 2.116 ca so với ngày 12/3; số ca tử vong là 1.266, tăng 250 ca. Ngoài ra có 1.439 ca điều trị thành công, tăng 181 trường hợp.

Đánh giá về việc số ca mắc COVID-19 tại Italy tiếp tục gia tăng, Cố vấn y tế của Chính phủ Italy, ông Walter Ricciardi cho rằng phải ít nhất 2 tuần dịch bệnh mới có xu hướng giảm, trong tuần này, số ca dương tính với SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tăng và hy vọng sau đó sẽ ổn định.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cuộc chiến chống SARS-COV-2 sẽ không thể kết thúc nhanh chóng và đây là vấn đề toàn cầu, vì vậy các quốc gia phải cùng nhau thực hiện tất cả các hành động ngăn chặn và giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 13/3 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 18 ca tử vong do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp lên thành 79 người.

Theo Bộ trưởng Veran, hiện 154 người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng, trong khi tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên thành 3.661 người, tăng mạnh từ mức 2.876 vào tối 12/3.

Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch của Đức ngày 13/3 thông báo, số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Đức đã tăng thêm 671 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm virus tại nước này lên thành 3.062 người. Theo Viện nghiên cứu trên, trong số những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có 5 ca tử vong.

Tại Moskva, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga cho biết tính đến ngày 13/3, tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng từ 34 lên 45 người, trong đó 42 người là công dân Nga, còn lại là 2 người Trung Quốc, 1 người Italy. Đây là ngày ghi nhận số người nhiễm bệnh cao nhất tại Nga.

Theo Phó Thị trưởng thành phố Moskva phụ trách phát triển xã hội, bà Anastasia Rakova, hơn 13.000 cư dân thủ đô trở về từ các quốc gia có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 đã được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, số người trên thực tế từ châu Âu hồi hương nhiều hơn con số này.

Nhà chức trách Nga cũng thông báo bắt đầu từ ngày 16/3, hoạt động vận chuyển hành khách theo đường không đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cũng như Thụy Sĩ và Na Uy, kể các đến và đi, sẽ bị hạn chế.

Ngoài ra, các chuyến bay thuê sẽ được cho phép trong thời gian nào đó, được sử dụng để đưa công dân Nga từ châu Âu về nước và đưa công dân nước ngoài về nước họ sinh sống.

Theo thông báo, quy định này sẽ có hiệu lực cho đến khi "đưa hoàn toàn những công dân này về nước họ."

Trong ngày 13/3, một loạt nước châu Âu như Đan Mạch, Ukraine, Ba Lan, Cộng hòa Cyprus đều đã thông báo lệnh tạm đóng cửa biên giới và không cho người nước ngoài nhập cảnh.

Chính phủ Áo cũng tuyên bố đóng cửa biên giới với Thụy Sĩ và Liechtenstein, đồng thời cấm các chuyến bay từ Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Pháp đến nước này, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh.

Cũng liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Ngoại trưởng 4 nước thuộc nhóm Visegrad (Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan) và Đức đều đồng ý rằng để đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các quốc gia không thể hành động riêng lẻ mà phải kết hợp với các nguồn lực chung của châu Âu.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek cho biết: “Khi thảo luận về tình hình hiện nay của đại dịch COVID-19, chúng tôi đã nhất trí rằng giải pháp không thể chỉ dừng ở cấp quốc gia, đây là vấn đề chung, châu Âu và toàn cầu, do đó cần phải sử dụng các nguồn lực chung."

Tại cuộc họp, ngoại trưởng các nước đánh giá cao quyết định của Chính phủ Đức cho phép xuất khẩu vật tư y tế.

Một nguồn tin cho biết cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Javier Solana đã phải nhập viện sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, hiện sức khỏe của ông đang tiến triển tốt và để đề phòng, ông đã được theo dõi cẩn thận.

Cũng trong ngày 13/3, vùng Scotland thuộc Anh đã ghi nhận ca đầu tiên tử vong do COVID-19, trong khi Kosovo cũng đã công bố có các ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục