Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng của năm 2021 ước tính tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong bối cảnh nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài thì kết quả trên có thể xem là thành công lớn của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh đồng thời duy trì sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, GDP quý 3 đã giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong số đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; dịch vụ giảm 9,28%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%...
Về sử dụng GDP quý 3, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ, tích lũy tài sản tăng 1,61%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.
Do đó, GDP tính chung trong 9 tháng chỉ tăng 1,42%. Trong số đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53% và khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, với năng suất lúa tăng cao và chăn nuôi tăng trưởng ổn định. Theo thống kê, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm và ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Mặt khác, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Do đó, tăng trưởng âm trong 9 tháng của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm….
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%, khu vực dịch vụ chiếm 40,19%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%. Đối với sử dụng GDP 9 tháng, mức tiêu dùng cuối cùng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020, tích lũy tài sản tăng 4,27%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,21%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18,46%.
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nhận định nền kinh tế đã đi được 3/4 quãng đường của năm với mức tăng trưởng 1,42%. Thời gian qua, diễn biến dịch COVID-19 bùng phát phức tạp đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề cho tăng trưởng kinh tế, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài. Điều này dẫn tới mức tăng trưởng trong quý 3 giảm âm đồng thời kéo theo mức tăng trưởng 9 tháng không đạt được như kỳ vọng. Do đó, khả năng tăng trưởng cao trong quý 4 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là không khả thi.
Tuy nhiên theo ông Hiếu, Việt Nam vẫn còn cơ hội cải thiện mức tăng trưởng nếu kết quả phòng chống dịch bệnh sớm được kiểm soát. Hiện nay, công tác phòng chống COVID-19 tiếp tục được triển khai khẩn trương, mục tiêu chiến lược tiêm chủng đủ 2 mũi có độ bao phủ đạt 70% dân số đến giữa năm 2022.
“Điều này sẽ giúp Việt Nam có thể kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đồng thời nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới trong các hoạt động kinh tế-xã hội,” ông Hiếu nói./.