Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5 năm 2023 của cả nước tăng 11,5%

Tính chung, 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5 năm 2023 của cả nước tăng 11,5% ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tổng cục Thống kê vừa cho biết đầu tháng 5/2023 có chuỗi ngày nghỉ lễ nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao hơn tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung, 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).

Tổng cục Thống kê cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng năm 2023 đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

[Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 14%]

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước đạt 1.993 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%); trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ôtô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 1,9%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương có mức tăng cao như: Bắc Ninh tăng 19,6%; Bình Định tăng 14,8%; Bình Dương tăng 13,8%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 10,6%; Quảng Ninh tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 8,7%; Hà Nội tăng 7,9%; Đà Nẵng tăng 6,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 268,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu của một số địa phương có mức tăng cao: Đà Nẵng tăng 40,3%; Cần Thơ tăng 27,2%; Đồng Nai tăng 23,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 23,4%; Quảng Ninh tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng năm 2023 ước đạt 253,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Bình Thuận tăng 59,5%; Đà Nẵng tăng 54,8%; Gia Lai tăng 29,6%; Ninh Thuận tăng 23,5%; Bắc Giang tăng 21,5%; Tiền Giang tăng 17,5%; Lâm Đồng tăng 12,5%; Quảng Ninh tăng 12,3%; Bình Định tăng 11,7%; Hà Nội tăng 9,1%.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số địa phương có mức giảm là Quảng Nam giảm 1,1%; Quảng Bình giảm 3,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,4%.

Bà Nguyễn Thuý Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) đánh giá, hiện sức mua của thị trường trong nước đã tăng nhưng chưa cao, vẫn chưa khai thác hết dung lượng của thị trường trong nước với dân số 100 triệu dân.

“Đây là lý do Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm mức thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa để kích thích tiêu dùng trong nước,” bà Hiền nêu rõ.

Bà Nguyễn Thuý Hiền chia sẻ thêm, khi thuế VAT giảm, sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, từ đó tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, đóng góp cho phát triển khu vực dịch vụ. Hơn hết, khi tiêu dùng trong nước phát triển sẽ thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa trong nước và tạo ra công ăn việc làm, cũng như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời, góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023.

Cùng với giải pháp trên, để phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam; đồng thời, chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục