Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao nhờ hoạt động thương mại, du lịch

Tính chung 8 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043.900 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Người dân mua sắm tại Co.opmart. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám vừa qua ước đạt 515.400 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu.

Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng là do các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng Tám là tháng mùa Hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ Hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.

Tính chung 8 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043.900 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng của năm 2023 ước đạt 3.175.500 tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%); trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,1%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 11%; may mặc tăng 8,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,4%; phương tiện đi lại (trừ ôtô) tăng 0,5%.

Tám tháng qua, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng như Quảng Ninh tăng 11,8%; Hải Phòng và Cần Thơ cùng tăng 9,5%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,2%; Hà Nội tăng 6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,8%; Đà Nẵng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng qua ước đạt 436.300 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu 8 tháng năm 2023 của một số địa phương như sau Đà Nẵng tăng 40,3%; Cần Thơ tăng 27,2%; Đồng Nai tăng 23,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 23,4%; Quảng Ninh tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

[Giải pháp nào giúp hỗ trợ ngành bán lẻ trong 4 tháng cuối năm?]

Một điểm sáng nữa là doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng qua ước đạt 22.400 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch tăng cao trong mùa cao điểm và các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du lịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chính vì vậy, những địa phương có dịch vụ du lịch phát triển có doanh thu 8 tháng qua tăng khá là: Đà Nẵng tăng 97,5%; Khánh Hòa tăng 93,4%; Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh cùng tăng 57,6%; Hải Phòng tăng 57%; Hà Nội tăng 45,9%; Bình Thuận tăng 40,2%; Cần Thơ tăng 15,6%; Lâm Đồng tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng qua ước đạt 409.700 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức bán lẻ và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể mức tăng, giảm 8 tháng năm 2023 của một số địa phương như Đà Nẵng tăng 19,8%; Bắc Giang tăng 17,5%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 11,8%; Cần Thơ tăng 9,4%; Hà Nội tăng 8,7%; Hải Phòng tăng 6,2%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 2,7%; Quảng Bình giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, thị trường nội địa đã tiếp tục trở thành bệ đỡ cho sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và được người dân đón nhận. Do đó, thị trường trong nước vẫn tăng trưởng được ở mức 2 con số.

Xác định thị trường trong nước là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước, để phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Cùng với đó, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục