Tổng lượng thực phẩm ăn được bị vứt bỏ khiến Nhật Bản thiệt hại 25 tỷ USD

Thực phẩm bị lãng phí tại các hộ gia đình dù đã giảm so với mức 4,33 triệu tấn của năm tài chính 2000 nhưng vẫn ở mức cao là 2,36 triệu tấn, mặc dù giảm so với 4,33 triệu tấn trong năm tài chính 2000.
Thực phẩm bị bỏ đi. (Ảnh: Getty images)

Theo số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 21/6, tổng lượng thực phẩm ăn được bị vứt bỏ trong năm tài chính 2022 lên tới khoảng 4,72 triệu tấn, gây thiệt hại kinh tế 4.000 tỷ yen (25 tỷ USD).

Con số này đã giảm xuống mức thấp nhất nhưng Tokyo nhấn mạnh vẫn cần tiếp tục hạn chế tình trạng lãng phí này.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm tài chính 2030 sẽ giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí tại các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh từ mức của năm tài chính 2000.

Theo số liệu mới nhất, các cơ sở kinh doanh liên quan thực phẩm, gồm các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng, đã đạt mục tiêu giảm lượng thực phẩm bị lãng phí xuống 2,36 triệu tấn trong năm tài chính 2022 so với mức 5,47 triệu tấn trong năm tài chính 2000.

Tuy nhiên, thực phẩm bị lãng phí tại các hộ gia đình dù đã giảm so với mức 4,33 triệu tấn của năm tài chính 2000 nhưng vẫn ở mức cao là 2,36 triệu tấn, mặc dù giảm so với 4,33 triệu tấn trong năm tài chính 2000. Để đáp ứng mục tiêu năm 2030, các hộ gia đình cần giảm lượng thực phẩm bị lãng phí xuống còn 2,16 triệu tấn.

Theo Cơ quan vấn đề người tiêu dùng, tổng cộng, thực phẩm lãng phí trong năm tài chính 2022 giảm 510.000 tấn so với năm 2021, mức thấp nhất kể từ khi số liệu so sánh được thu thập trong năm tài chính 2012, và giảm hơn một nửa so với mức 9,8 triệu tấn ghi nhận trong năm tài chính 2000.

Cục trưởng Vấn đề người tiêu dùng Hanako Jimi nhấn mạnh các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng cần tiếp tục nỗ lực, đồng thời cho biết cơ quan của ông sẽ xem xét đặt mục tiêu cắt giảm mới cho các cơ sở kinh doanh.

Số liệu cho thấy thiệt hại kinh tế do lãng phí thực phẩm cho năm tài chính 2022 tính theo đầu người là 32.125 yen.

Chính phủ cho rằng thực phẩm lãng phí của cơ sở kinh doanh giảm là do các biện pháp như kéo dài thời gian sử dụng tốt nhất và nới lỏng hạn chót giao hàng từ các nhà sản xuất thực phẩm cho các cơ sở bán lẻ.
Thực phẩm lãng phí là vấn đề lớn toàn cầu do chúng tạo ra lượng khí thải CO2 không cần thiết.

Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc kêu gọi giảm 50% số thực phẩm bị lãng phí trên toàn cầu tính theo đầu người ở khâu bán lẻ và tiêu dùng cũng như giảm thực phẩm thất thoát trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

Theo Liên hợp quốc, tình trạng thiếu thực phẩm toàn cầu không có biến động trong giai đoạn 2021-2022, tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều mức trước đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến khoảng 9,2% dân số thế giới trong năm 2022 so với 7,9% trong năm 2019.

Dự báo, sẽ có gần 600 triệu người thiếu ăn kinh niên vào năm 2030, trong khi đại dịch và xung đột có thể làm tăng thêm 119 triệu người suy dinh dưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục