Chia sẻ kết quả công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023, sáng 28/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định trong năm 2022, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục lớn mạnh cả về lượng và chất.
Cụ thể, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng và đa dạng hơn về thành phần. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao.
Đại bộ phận bà con có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, xã hội, có tiềm lực đáng kể về trình độ khoa học, kỹ thuật.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu rõ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và hướng về quê hương, thực sự trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước.
Tính đến tháng 6/2022, kiều bào đã có 376 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam.
Về kiều hối, hiện chưa có con số thống kê chính thức, tuy nhiên, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước. Tổng lượng kiều hối về Việt Nam dự báo có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 (năm 2021 cũng tăng 5% ) và tăng 3,6-4,5% trong năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thành danh, đoạt giải thưởng cao, ghi dấu ấn trí tuệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiêu biểu như Giáo sư Ngô Đức Tuấn (Đại học Melbourne, Australia), Phó Giáo sư Bùi Quốc Tính (Đại học Công nghệ Tokyo Nhật Bản), Giáo sư Nguyễn Đức Khương (Pháp, thỉnh giảng của Đại học Quốc gia Hà Nội) nằm trong top cao 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng thế giới.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh (Đại học College London) là một trong 3 nhà khoa học giành giải thưởng Interdisciplinary Prize 2022 của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh với đóng góp liên ngành trong nghiên cứu về ứng dụng y sinh.
Con em người Việt thế hệ thứ 2, 3 hiếu học, đạt nhiều thành tích học tập và có cơ hội việc làm tốt. Trong và sau đại dịch COVID-19, nổi rõ xu hướng thế hệ trẻ, du học sinh Việt Nam mong muốn về nước tìm kiếm cơ hội việc làm, lập nghiệp.
[Lượng kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh dự báo đạt 6,8 tỷ USD]
Về "nguồn lực mềm," cộng đồng tiếp tục đóng góp tích cực vào xã hội sở tại, là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt Nam với các nước. Đáng chú ý, lãnh đạo một số nước đã gửi lời chúc mừng năm mới đến cộng đồng bằng tiếng Việt, thể hiện sự coi trọng của chính quyền sở tại đối với vai trò của cộng đồng người Việt.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương như Tết Nguyên đán, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, các hoạt động thường niên của hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài... và tích cực hưởng ứng các hoạt động hướng về quê hương, đất nước.
Trong năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ đóng “xuồng chủ quyền” và quà tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Khẳng định kiều bào luôn đồng hành và sẵn sàng ủng hộ trong nước, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu rõ, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, bên cạnh hơn 80 tỷ đồng tiền mặt và nhiều vật phẩm y tế trị giá hàng chục triệu USD được bà con ủng hộ về trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vaccine, vận động các nước sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam.
Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời đóng vai trò nòng cốt, tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương.
Đến nay, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã phát triển cả về số lượng, thành phần tại nhiều khu vực với hình thức tổ chức, tính chất hoạt động đa dạng, phong phú, cơ cấu tổ chức tiếp tục được kiện toàn, củng cố.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết bên cạnh những thuận lợi, những kết quả đạt được, bà con cũng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi căng thẳng quân sự Nga-Ukraine. Cuộc sống của một bộ phận trong cộng đồng vẫn gặp khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc./.